11:11, 16/11/2018

Dấu ấn một người thầy

Với thâm niên 34 năm làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Hữu Thuế được ví như một "thuyền trưởng" kỳ cựu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển giáo dục của xã đảo Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa). 

 

Với thâm niên 34 năm làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Hữu Thuế được ví như một “thuyền trưởng” kỳ cựu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển giáo dục của xã đảo Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa). 

                                                                                   
Gắn bó với đảo xa


Sinh ra và lớn lên ở đảo Bình Ba (xã đảo Cam Bình), học hết lớp 5, thầy Thuế phải vào đất liền trọ học. Chứng kiến cảnh nghèo khó nơi chôn rau cắt rốn, thầy Thuế từng nghĩ “muốn thoát khổ, thoát nghèo phải học để đi xa vùng đảo”. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 1978, được sự phân công, thầy Thuế đã trở về đảo để phục vụ quê hương. Rồi tình yêu nghề, yêu trò như sợi dây níu giữ thầy ở lại miệt mài “gieo chữ”.

 

Tuy đã về hưu, nhưng thầy Thuế vẫn trăn trở với chuyện trồng người ở đảo Bình Ba.

Tuy đã về hưu, nhưng thầy Thuế vẫn trăn trở với chuyện trồng người ở đảo Bình Ba.

 

Nhớ lại những ngày gian khổ, thầy Thuế cho biết, về Bình Ba hôm nay, khó có thể hình dung một Bình Ba của những năm 80, 90 thế kỷ trước. Không điện, cách đất liền hơn 1 giờ đi đò, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc học cũng lắm gian nan. Năm học đầu tiên 1975 -1976, cả đảo chỉ có 5 lớp tiểu học với hơn 150 học sinh (HS). Đến năm 1978, thầy Thuế được phân công về làm giáo viên dạy môn Toán - Lý tại Trường Phổ thông cơ sở Bình Ba (gồm cả cấp 1 và cấp 2) thì cũng mới có 8 lớp tiểu học và 2 lớp THCS.


“Tôi về trường được 3 tháng thì cô Nguyễn Thị Cảnh quê ở huyện Diên Khánh cũng về công tác. Chúng tôi kết duyên, rồi quyết tâm ở lại vùng đất này với bao ước mơ về sự nghiệp trồng người”, thầy Thuế chia sẻ. Năm 1984, thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng khi mới 26 tuổi. Những năm từ 1980 đến 1990, để giáo viên về Bình Ba dạy học rất khó. Giáo viên tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 10%, nhưng nếu có cơ hội họ sẽ về đất liền để thuận lợi hơn cho cuộc sống và sự nghiệp. Những giáo viên ở đất liền về với đảo cũng chỉ vài năm, vững nghề họ lại ra đi. Chỉ có thầy Nguyễn Hữu Thuế là vẫn gắn bó với ngôi trường trên đảo như chính ngôi nhà thứ 2 của mình.


Người “thuyền trưởng” tận tụy


Khi làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Cam Bình, thầy Thuế phải quản lý cả 2 cấp học ở cả hai đảo Bình Ba và Bình Hưng. Thời điểm đông nhất lên tới 22 lớp học với hơn 850 HS và hơn 50 giáo viên. Với số lượng và địa bàn như thế rất khó để nâng cao chất lượng giáo dục. Khoảng năm 2002, trong một lần đi đò vào TP. Cam Ranh họp, vô tình gặp một cán bộ phụ trách cơ sở vật chất của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thầy Thuế tâm sự, muốn phát triển giáo dục thì trước hết phải cải thiện cơ sở vật chất. Đây là mấu chốt để HS yên tâm học, giáo viên yên tâm công tác, cống hiến. Ít hôm sau, lãnh đạo Sở GD-ĐT bất ngờ yêu cầu thầy Thuế làm báo cáo đề xuất. Thầy đã mạnh dạn báo cáo phương án tách Trường Phổ thông cơ sở Cam Bình thành 2 cấp học ở 2 trường riêng biệt. Đây là tiền đề để Sở GD-ĐT cho thành lập Trường Tiểu học Cam Bình và Trường THCS Nguyễn Trung Trực.

 

Thầy Thuế dặn dò học sinh và giáo viên trong một tiết học ngoại khóa.

Thầy Thuế dặn dò học sinh và giáo viên trong một tiết học ngoại khóa.


Năm 2005, Trường THCS Nguyễn Trung Trực được xây dựng mới. Thầy Thuế được điều về làm hiệu trưởng và bắt tay xây dựng từ đầu. Đến nay, bãi đất trống hoang hóa đã được thay bằng ngôi trường khang trang, cây cối xanh tốt. Hơn 10 năm gắn bó với trường, thầy Thuế đã cùng đội ngũ giáo viên xây dựng được ngôi trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 vào năm 2014, năm 2017 đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2.


Để đạt được các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, ngoài cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học, một yếu tố rất quan trọng đó là tỷ lệ HS bỏ học. Với một ngôi trường chỉ có hơn 200 HS như Trường THCS Nguyễn Trung Trực, chỉ 1 HS bỏ học cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ lệ. Vì thế, ở đảo Bình Ba, người dân đã quá quen với việc thầy hiệu trưởng bất cứ lúc nào cũng đến nhà phụ huynh để động viên họ cho con đi học lại. Theo thầy Thuế, trước khi nghỉ hè khoảng một tháng, quan sát lớp học một cách tinh tế thì có thể đoán được HS nào có ý định nghỉ học sau hè. Thường thì các em học yếu, nhà nghèo, ham chơi… hay nghỉ học sau hè. Nhưng ở Bình Ba có cả con nhà giàu, học tốt vẫn nghỉ học như thường.  

 

Thầy Nguyễn Hữu Thuế luôn coi học trò như con, cháu trong nhà.

Thầy Nguyễn Hữu Thuế luôn coi học trò như con, cháu trong nhà.


“Có lần tôi đến vận động một nữ HS bỏ học giữa chừng. Mẹ em này nói “nếu thầy cho tôi mượn 5 triệu đồng để sửa bộ đèn đi biển thì tôi cho con đi học”. Khi đó tôi cũng không biết tính sao nhưng về suy nghĩ, chẳng lẽ dùng 5 triệu đồng để đổi cho 1 HS đi học mà mình không làm được. Hồi đó trường cho một người bán nước trong khuôn viên trường, mỗi năm nộp 5 triệu đồng. Thế là hôm sau tôi gọi phụ huynh này lên dùng tiền này cho mượn”, thầy Thuế kể lại.


Tuy đã về hưu được gần nửa năm, nhưng những đóng góp của thầy Thuế đối với sự phát triển của ngành Giáo dục xã đảo Cam Bình là điều mà chính quyền và nhân dân nơi đây sẽ còn nhắc mãi. Với 40 năm công tác, trong đó có 34 năm làm hiệu trưởng, đâu đâu cũng thấy dấu ấn của thầy Thuế. Thầy Nguyễn Phú Hòa - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Nguyễn Trung Trực cho biết, từ khi còn đương chức hay khi đã nghỉ hưu, thầy Thuế đều coi ngôi trường này như ngôi nhà thứ 2 của mình. Với 34 năm làm hiệu trưởng, thầy Thuế là một lãnh đạo tận tâm, quan tâm sâu sắc đến trường lớp, gia cảnh của học sinh, đời sống, tâm tư của giáo viên. Thầy luôn tìm tòi, thích nghi với cách lãnh đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn. Thầy có công rất lớn đối với sự phát triển của Trường THCS Nguyễn Trung Trực nói riêng và ngành Giáo dục của xã nói chung. Toàn bộ cơ sở vật chất, thành tích của trường chủ yếu do thầy Thuế xây dựng.


Nghe đồng nghiệp nhận xét về mình, thầy Thuế chỉ cười khiêm tốn: “Đến bây giờ tôi vẫn rất hạnh phúc vì thời gian gắn bó với đảo, những tình cảm mà học trò, người dân dành cho tôi. Tôi hy vọng sẽ có nhiều giáo viên dành tâm huyết cho sự nghiệp "trồng người" ở đảo Bình Ba, để các thế hệ tương lai sẽ thành tài, góp sức xây dựng xã đảo ngày càng đẹp hơn, phát triển hơn...”.


VĂN KỲ


 




Ông Võ Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình: Nhiều năm liền thầy Thuế là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã, phụ trách công tác giáo dục của xã. Riêng lĩnh vực giáo dục, thầy Thuế là người có uy tín cao, đóng góp công lao rất lớn, nhất là công tác xây dựng cơ sở vật chất cho ngành. Thầy Thuế cũng chính là chủ biên cuốn sách Lịch sử cách mạng xã Cam Bình xuất bản năm 2015.

___________________________________________



Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cam Ranh: Công lao lớn nhất của thầy Thuế là xây dựng Trường THCS Nguyễn Trung Trực trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là trường đảo đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu này. Ngoài ra, thầy Thuế còn có công lớn giúp tình trạng bỏ học ở Bình Ba giảm hẳn, đến nay hầu như không còn trường hợp bỏ học.