05:11, 10/11/2018

Niềm vui chưa trọn

Bên cạnh những gia đình được hưởng trọn niềm vui trên vùng đất mới, hiện vẫn còn hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại các xã: Liên Sang và Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh) tuy có đất nhưng chưa thể sản xuất được.

Bên cạnh những gia đình được hưởng trọn niềm vui trên vùng đất mới, hiện vẫn còn hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo tại các xã: Liên Sang và Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh) tuy có đất nhưng chưa thể sản xuất được.


Vui đất mới


Những ngày này, gia đình ông Hà Ni (thôn Chà Liên, xã Liên Sang) hân hoan khi niềm mong đợi của gia đình ông về một khoảnh đất rẫy để trồng lúa, trồng keo đã được thỏa nguyện. Cùng chúng tôi lên thăm rẫy lúa được trồng cách nay hơn 2 tháng, ông Ni chia sẻ: “Gia đình tôi được giao gần 0,7ha đất sản xuất rất gần nơi ở, đường sá thuận tiện. Sau khi nhận đất, gia đình tôi đã bắt tay ngay vào việc phát dọn nương rẫy để trỉa lúa, kịp ăn Tết năm nay”. Ông Ni dự định sẽ tìm hiểu xem đất này phù hợp với loại cây trồng nào thì sẽ đăng ký với xã xin hỗ trợ cây giống để trồng nhằm ổn định thu nhập cho gia đình.

 

Một góc khu vực đất bóc tách ở xã Liên Sang được giao cho người dân.

Một góc khu vực đất bóc tách ở xã Liên Sang được giao cho người dân.


Cách nương lúa của gia đình ông Hà Ni không xa là rẫy lúa của gia đình bà Cao Thị Ninh ở cùng thôn. Theo bà Ninh, sau bao năm sống vất vả vì không có đất sản xuất, hiện nay, gia đình bà đã được Nhà nước cấp đất canh tác. “Ngay sau khi nhận được đất, toàn bộ các thành viên trong gia đình tôi đã lên rẫy phát dọn, tranh thủ mưa xuống để gieo lúa rẫy. Hiện nay lúa đã lên xanh tốt, Tết này gia đình tôi sẽ có lúa đầy gùi chứ không còn chật vật như trước. Niềm vui này có được là nhờ Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi có đất sản xuất”, bà Ninh tâm sự.


Ông Cao Mui - Chủ tịch UBND xã Liên Sang cho biết, thống kê trước đây xã có 102 hộ ĐBDTTS thiếu đất sản xuất. Nhưng qua rà soát chỉ có 73 hộ đủ điều kiện được Nhà nước giao đất từ quỹ đất bóc tách từ Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (viết tắt là Công ty Lâm sản Khánh Hòa) theo chủ trương đã được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với UBND tỉnh tháng 11-2017. Để kịp thời gian cho người dân tổ chức sản xuất, từ giữa tháng 9, UBND xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành phân lô, cắm mốc thực địa, bàn giao đất cho các hộ. Đến thời điểm này, đã có 63 hộ nhận đất với tổng diện tích 42,15ha (trung bình 1 hộ được giao gần 0,7ha); hiện nay, vẫn còn 10 hộ chưa nhận do đang đi làm ăn xa chưa về, ranh giới lô đất chưa rõ ràng. Hiện nay có 14 hộ đã tiến hành trồng lúa rẫy, bắp, mì…


Tại xã Cầu Bà cũng có 28 hộ đủ điều kiện được nhận đất với tổng diện tích 18,3ha, trung bình mỗi hộ được nhận hơn 0,65ha. Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Bóc tách đất từ lâm trường để giao cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất là chủ trương rất thiết thực. Chính vì vậy, sau khi có chủ trương của tỉnh, công ty đã tiến hành tận thu toàn bộ diện tích 119,5ha rừng trồng để bàn giao cho huyện Khánh Vĩnh. Mục tiêu của công ty là giao sớm để người dân kịp canh tác khi mùa mưa đến”.


Nhiều hộ chưa sản xuất được


Bên cạnh niềm vui của những người nhận đất, đã tổ chức gieo trồng, hiện vẫn còn nhiều hộ tuy đã được UBND các xã cắm mốc, bàn giao nhưng hơn 2 tháng qua vẫn chưa thể phát dọn để sản xuất. Ông Hà Khánh - Trưởng thôn Đá Bàn (xã Cầu Bà) cho biết, thôn có 6 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất được Nhà nước giao đất  nhưng cho đến nay vẫn chưa tổ chức sản xuất được. Toàn xã có 28 hộ được nhận đất bóc tách thì chỉ duy nhất 1 hộ đã tổ chức phát dọn nhưng chưa sản xuất.

 

Rẫy lúa của gia đình ông Hà Ni đã xanh tốt  trên diện tích đất vừa được Nhà nước giao.

Rẫy lúa của gia đình ông Hà Ni đã xanh tốt trên diện tích đất vừa được Nhà nước giao.


Bà Xà Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Bà lý giải: “Nguyên nhân là do có 4 hộ thôn Đá Trắng không thuộc danh sách nhận đất nhưng lại tranh chấp, ngăn cản, đe dọa một số hộ được nhận đất. Lý do họ đưa ra là diện tích đất bóc tách này do gia đình họ khai hoang năm 1979, sau đó Nhà nước thu hồi giao cho Công ty Lâm sản Khánh Hòa trồng rừng, hiện nay công ty khai thác xong thì đề nghị trả lại đất cho họ, không giao cho hộ khác. Đối với 20 hộ còn lại, một số hộ muốn hoán đổi vị trí cho nhau…, UBND xã đang tiếp tục tuyên truyền để người dân tiến hành phát dọn, gieo trồng”.   


Tình trạng này cũng xảy ra tại xã Liên Sang. Hiện vẫn còn 39 hộ đang tranh chấp đối với diện tích đất được giao. “Thực tế có hộ không nằm trong danh sách được giao đất nhưng vẫn lên tranh chiếm; có hộ thì khi tổ chức bốc thăm không đồng ý nhận lô đất mình bốc trúng. Để giải quyết vấn đề này, UBND xã Liên Sang đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được”, ông Cao Mui phân trần.


Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do trong quá trình khai thác rừng trồng giao đất lại cho huyện, sự phối hợp giữa Công ty Lâm sản Khánh Hòa và UBND các xã chưa tốt, dẫn đến các diện tích đất công ty khai thác xong liền có các hộ lấn chiếm dọn, đốt khi chưa bàn giao cho huyện. Ngoài ra, công tác vận động, tuyên truyền và giải quyết các vấn đề có liên quan của UBND các xã chưa thực sự quyết liệt, còn lơ là…


Tìm hướng tháo gỡ

 

Thực hiện chủ trương bóc tách đất từ Công ty Lâm sản Khánh Hòa giao cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất tại 2 xã Liên Sang và Cầu Bà, tại 2 địa phương này có 101 hộ đủ điều kiện được giao đất. Đến nay, huyện Khánh Vĩnh đã cắm mốc bàn giao đất thực địa cho 91 hộ với tổng diện tích 60,45ha; hiện vẫn còn 10 hộ chưa nhận bàn giao. Trong số 91 hộ đã được bàn giao, chỉ có 14 hộ đã tiến hành sản xuất, 11 hộ đã phát dọn để chuẩn bị sản xuất; số còn lại chưa thể phát dọn, sản xuất được.

Theo lãnh đạo UBND xã Cầu Bà, khó khăn nhất của địa phương là giải quyết vấn đề 4 hộ thôn Đá Trắng lên tranh chiếm đất của 8 hộ được giao đất. UBND xã dự kiến sẽ tổ chức phát dọn tập trung, có sự tham gia của 8 hộ được nhận đất, lực lượng chức năng của huyện, xã nhằm bảo đảm an ninh trật tự. Địa phương kiến nghị UBND huyện Khánh Vĩnh cử lực lượng chức năng hỗ trợ khi phát dọn tập trung.


Trong khi đó, ông Cao Mui cho biết: “Đối với các hộ vì lý do riêng, muốn trao đổi vị trí đất thì địa phương có giải pháp là mời các hộ lên để thống nhất việc hoán đổi, thực tế một số hộ đã tiến hành hoán đổi xong, đang tiến hành phát dọn. Khó khăn nhất là việc một số hộ không có tên trong danh sách nhận đất lại lên tranh chiếm, dẫn đến việc giao nhận đất chưa hoàn tất, thiếu ổn định. Chúng tôi kiến nghị cấp trên hỗ trợ, chỉ đạo giải pháp khắc phục nhằm tháo gỡ khó khăn này. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục triển khai việc giao đất cho 10 hộ còn lại”.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đất bóc tách sớm đến tay người dân, UBND huyện Khánh Vĩnh đã nhiều lần chỉ đạo UBND các xã: Liên Sang, Cầu Bà tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất trên diện tích đất đã được tạm giao, tránh trường hợp lấn chiếm, sang nhượng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đối với các hộ không thuộc đối tượng giao đất nhưng tự ý lên phát dọn, UBND huyện đã giao UBND các xã chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, Công ty Lâm sản Khánh Hòa mời các hộ lên làm việc, tìm hướng giải quyết dứt điểm nhằm giúp các hộ được nhận đất sớm tổ chức sản xuất. “Một vấn đề khác huyện hết sức quan tâm là hướng dẫn cho người dân canh tác hiệu quả trên diện tích đất được giao. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên hệ với một số doanh nghiệp trên địa bàn tiến hành rà soát, nghiên cứu thổ nhưỡng, loại cây trồng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp để triển khai đến người dân”, ông Đồng chia sẻ.


HỒNG ĐĂNG - BÍCH LA