03:07, 09/07/2014

Truy quét "hung thần" của biển

Trên vịnh Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), từ lâu, các tàu giã cào, giã nhủi đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với ngư dân. Mỗi lần các tàu này xuất bến, một khoảng biển rộng lớn lại bị xới nát, quần thảo để đánh bắt hủy diệt các sinh vật biển trong vịnh.

Trên vịnh Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), từ lâu, các tàu giã cào, giã nhủi đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với ngư dân. Mỗi lần các tàu này xuất bến, một khoảng biển rộng lớn lại bị xới nát, quần thảo để đánh bắt hủy diệt các sinh vật biển trong vịnh.


Xuyên đêm “săn” giã cào    

 

1
Các đối tượng hành nghề giã cào bị bắt quả tang.


20 giờ, bóng đêm trên biển Vân Phong đặc quánh. Những ánh đèn của tàu khai thác hải sản trên vịnh Vân Phong chấp chới giữa sóng nước. Chúng tôi cùng lực lượng Kiểm ngư đi tuần trên biển. Theo hành trình, chuyến đi này, lực lượng sẽ tuần tra, kiểm soát khu vực biển gần bờ từ phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) đến thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) với chiều dài khoảng 30km. Để tránh bị phát hiện và tạo yếu tố bất ngờ, vừa ra khỏi cửa biển Ninh Hải, 2 tàu Kiểm ngư mang biển kiểm soát VN 93001-KN và KH 06339-TS đều tắt hết đèn.


Trên đường đi, ông Nguyễn Duyên Thành, Đội trưởng Đội Hành chính - Tổng hợp của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn dặn các kiểm ngư viên hết sức tỉ mỉ về kế hoạch “tác chiến”. Theo đó, khi gần tới mục tiêu, 2 tàu kiểm ngư sẽ rẽ ra 2 phía; khi có hiệu lệnh, lập tức từ 2 bên, 2 tàu chạy vào áp sát để tàu đánh bắt trái phép không kịp tháo chạy. Cùng đi với lực lượng Kiểm ngư còn có lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh.


Sau gần 1 giờ quan sát trong bóng đêm, đến gần khu vực Hòn Vung (huyện Vạn Ninh), những ánh đèn đỏ quạch lừ lừ xuất hiện. Tiếng máy nổ rền vang trong không gian. Với kinh nghiệm nhiều lần truy quét đối tượng giã cào, thuyền phó Đinh Công Trình hô lớn: “Nhằm thẳng mấy ánh sáng đỏ trước mặt, chắc chắn đây là tàu giã cào”. Thuyền trưởng trên 2 tàu Kiểm ngư đồng loạt kéo ga, đánh lái, tàu xé sóng lao tới mục tiêu với thế gọng kìm. Khi chỉ còn cách tàu giã cào khoảng 30m, ánh đèn pha bật sáng, chiếu thẳng vào tàu khai thác trái phép. Như một phản xạ tự nhiên, tàu giã cào chợt khựng lại, định quay đầu bỏ chạy. Nhanh như chớp, lực lượng chức năng đã áp sát mục tiêu. Biết không thể chạy thoát, chủ tàu vi phạm định lấy dao chặt đứt giàn lưới để phi tang; trong khi đó, một số đối tượng khác chạy ra mũi tàu để thị uy. Không hề nao núng, 4 kiểm ngư viên nhanh chân nhảy sang tàu vi phạm, lệnh cho tàu dừng lại. Không khí vây bắt trở nên nghẹt thở và căng thẳng. Chỉ đến khi tàu giã cào chấp hành lệnh tắt máy, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Chủ nhân của chiếc tàu KH 00871-TS vi phạm là Đào Đức Sơn (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh). Tuy mới rút được 2 mẻ cào nhưng trên tàu đã có mấy chục ký hải sản đủ các loại. Nhìn những con ốc, tôm bằng đầu đũa cho đến cả những cọng rong, tảo còn bám đầy trứng mực lọt vào giàn lưới cào mới biết độ hủy diệt của loại hình đánh bắt này thật ghê gớm...


Xử lý xong tàu KH 00871-TS, lực lượng Kiểm ngư tiếp tục hành trình hướng về vùng biển thị trấn Vạn Giã. Tàu đang chạy, chợt máy trưởng tàu Kiểm ngư VN 93001-KN Nguyễn Tiến Đạt giật giọng: “Cho tàu quay lại, mấy chiếc giã cào đang quần thảo phía bên kia”. Chỉ tay về phía Hòn Ông, anh Đạt giải thích: “Tàu giã cào nhìn từ xa là biết ngay, lúc nào cũng có ánh đèn đỏ quạch và di chuyển chậm vì phải kéo giàn lưới nặng. Nhìn vào tốc độ di chuyển của nó để có thể phân biệt được với các tàu đánh bắt thông thường”.

 

1
Tàu Kiểm ngư áp sát phương tiện vi phạm


Đúng như phán đoán, chỉ 15 phút sau, các tàu giã cào đã lọt vào tầm mắt. Khi tàu Kiểm ngư cách tàu giã cào khoảng 70m, các đối tượng đã phát hiện và tăng tốc lái tàu bỏ chạy. Đèn pha bật sáng, cuộc rượt đuổi bắt đầu. Để đối phó với cơ quan chức năng, tàu giã cào được các đối tượng lắp loại máy công suất lớn, vận tốc tương đương với tàu Kiểm ngư. Chính vì thế, việc rượt đuổi không dễ dàng. Sau nhiều khúc cua liên tục, với quyết tâm của lực lượng chức năng, 20 phút sau, tàu vi phạm mới chịu dừng máy và ký vào biên bản. Đối tượng vi phạm là Trần Thanh Nghĩa (thị trấn Vạn Giã). Đây là tàu đã từng bị xử phạt về hành vi đánh bắt hải sản bằng giã cào trong khu vực cấm.


Sau khi 2 tàu vi phạm bị bắt, thông tin tàu Kiểm ngư đi tuần dường như được loan báo khắp khu vực vịnh Vân Phong. Các tàu giã cào khác lần lượt thu lưới chạy vào bờ. Biết đã bị lộ, 2 tàu Kiểm ngư quyết định rút quân. Về đến thị trấn Vạn Giã, đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng.


Nhọc nhằn đời kiểm ngư     


Thêm một đêm tuần tra từ thị trấn Vạn Giã đến xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), ông Bùi Lân, Đội trưởng Đội Thanh tra số 4 của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chúng tôi biết, đây là khu vực mà các ghe giã cào hoạt động mạnh nhất. Các đối tượng sử dụng phương tiện này thường rất manh động. Bọn chúng sẵn sàng chống người thi hành công vụ một cách quyết liệt mỗi khi bị bắt. Trong những đợt truy quét, nhiều lần lực lượng chức năng gặp phải sự chống trả quyết liệt của các đối tượng. Có những lần lực lượng Kiểm ngư đành phải bỏ mục tiêu vì bị các ghe giã cào, giã nhủi tấn công hội đồng.

 

1
Các kiểm ngư viên đưa tang vật vi phạm lên tàu Kiểm ngư.


Những đêm trắng đi theo lực lượng Kiểm ngư, chúng tôi mới hiểu hết nỗi vất vả, cực nhọc mà các anh nếm trải. Mỗi lần ra quân truy quét thường kéo dài cả tháng, ngày đi bắt kích điện, đêm lại bắt giã cào, giã nhủi. Trong ánh đèn vàng vọt của phòng máy, máy trưởng của tàu VN 93001-KN Hồ Văn Vỹ chia sẻ: “Đời kiểm ngư lắm vất vả. Nhà cửa để vợ lo tất. Mỗi đợt đi tuần, anh em bị mất ngủ triền miên; đã vậy còn đối mặt với không ít nguy hiểm bởi các đối tượng chống đối. Các anh em kiểm ngư ở đây, người ít cũng đã làm việc 4 năm, còn người có thâm niên phải đến gần 20 năm. Để bảo vệ nguồn lợi hải sản, mình phải có trách nhiệm...”. Trong ký ức của anh Vỹ, đã không ít lần đi tuần, lực lượng chức năng bị các đối tượng làm nghề giã cào, giã nhủi chống đối, còn việc những người vi phạm dùng gạch, đá... tấn công là chuyện xảy ra thường xuyên.


Cạn kiệt nguồn lợi


Chuyến đi tuần tra với lực lượng Kiểm ngư lần này, chúng tôi mới thấy hết sự hủy diệt sinh vật biển mà các đối tượng sử dụng kích điện, giã cào, giã nhủi khai thác. Trong đêm theo ca nô tìm mục tiêu truy quét ở khu vực xã Vạn Thọ, anh Bùi Lân cho hay: “Vùng này đã bị đội quân giã cào, giã nhủi khai thác đến mức cạn kiệt. Đội tàu giã cào, giã nhủi đã chấm tọa độ vét ở khu vực nào thì ở đó không có cơ hội cho những tàu khai thác bằng dụng cụ khác chen vào. Mình đã nhiều lần tuyên truyền, truy quét, nhưng vì lợi nhuận trước mắt nên đêm đêm vẫn có hàng trăm ghe tàu ra đây đánh bắt trái phép”. Rồi anh thở dài: “Giá như người dân nghĩ được lợi ích lâu dài thì biển đâu đến mức cạn kiệt như thế này...”.

 

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành 104 lượt kiểm tra với 547 tàu thuyền. Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều phương tiện vi phạm trong vùng cấm khai thác; đã tịch thu 2 bộ kích điện, 2 gọng giã nhủi, 3 bình ắc quy, 2 lưới giã cào, 1 lưới giã nhủi; xử phạt hành chính các chủ phương tiện vi phạm gần 32 triệu đồng. Trong chuyến tuần tra ra vịnh Vân Phong, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 2 tàu giã cào, 1 tàu giã nhủi.

Nhớ lại những dịp theo ngư dân ra biển khai thác thủy sản, chúng tôi càng thấy rõ nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị cạn kiệt. Ngư dân Phan Văn Hồng (xã Vạn Hưng) đã từng thở dài khi tâm sự: “Trước đây, thủy sản ven bờ còn nhiều nên cuộc sống của ngư dân cũng khấm khá. Bây giờ, cá, tôm, mực, ghẹ ngày càng ít, thậm chí có khi đi biển suốt đêm mà tôi chỉ bắt được 3 - 4kg cá nhỏ; ra biển bây giờ chuyến được chuyến mất. Nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện giã cào càn quét khắp vùng biển gần bờ, cá chưa kịp lớn đã bị họ cào sạch”. Còn với ngư dân Nguyễn Thanh Long (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa), có những đêm đi thuyền ra vịnh Vân Phong thả lưới thâu đêm, anh cũng chỉ bắt được có 4 con ghẹ và mớ cá chưa đến 2kg. Anh Long than thở: “Khoảng chục năm trước, mỗi đêm, chúng tôi thả lưới trên vịnh Vân Phong cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Còn bây giờ, do khai thác quá mức nên nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao đã bị tận diệt, dẫn đến việc đi đánh bắt bữa có, bữa không. Không chỉ vậy, nếu gặp phải ghe đi cào thì không chỉ cá, ghẹ không có mà lưới cũng bị họ cào mất luôn...”.


Trước đây, vịnh Vân Phong và nhiều vịnh, đầm khác trên địa bàn tỉnh có nguồn lợi thủy sản rất lớn với nhiều loài tôm, cua, ghẹ, cá và nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản tại những khu vực này đã cạn kiệt một cách nhanh chóng. Theo ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt chủ yếu là do thời gian qua người dân đã khai thác quá mức. Đặc biệt, không ít người sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt như: khai thác bằng chất nổ, chất độc, giã cào, lờ dây... khiến thủy sản lớn bé đều bị tận diệt. Lẽ ra, nhiều tàu thuyền công suất lớn phải hoạt động ở vùng lộng, vùng khơi thì họ lại tham gia khai thác vùng ven bờ. Điều này càng gia tăng áp lực lên nguồn lợi thủy sản ven bờ. Trong khi đó, ông Nguyễn Duyên Thành cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 9.800 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó gần 1.150 tàu đủ điều kiện khai thác xa bờ, còn hơn 8.660 tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng. Do số lượng tàu khai thác vùng ven bờ lớn, nhiều phương tiện trong số đó hoạt động một số nghề cấm, khai thác trong những vùng cấm nên dẫn đến nguồn lợi hải sản suy kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và thu nhập của cộng đồng ngư dân ven biển”.


Chia tay lực lượng Kiểm ngư tỉnh sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi hiểu, cuộc đấu tranh này sẽ còn nhiều cam go, vì đêm đêm vẫn có hàng trăm ghe tàu lén lút ra biển đánh bắt mang tính hủy diệt. Chỉ khi nào các “hung thần” của biển từ bỏ mối lợi trước mắt thì các anh mới có thể thảnh thơi và biển mới yên ắng trở lại để hải sản được sinh sôi.

ĐÌNH LÂM - BÍCH LA