10:07, 01/07/2014

Nứt nẻ dưới nắng hạn

Nắng hạn kéo dài đã làm ao hồ cạn kiệt. Nhiều hồ chứa nước đã ngấp nghé mực nước chết khiến hàng ngàn héc-ta lúa vụ Hè Thu và cây trồng trong tỉnh bị khô hạn. Nếu trời không mưa, nông dân có nguy cơ mất trắng…

Nắng hạn kéo dài đã làm ao hồ cạn kiệt. Nhiều hồ chứa nước đã ngấp nghé mực nước chết khiến hàng ngàn héc-ta lúa vụ Hè Thu và cây trồng trong tỉnh bị khô hạn. Nếu trời không mưa, nông dân có nguy cơ mất trắng…


Đồng khô, cây chết


Những ngày này, đường vào thôn Vĩnh Nam, xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm) nắng chang chang như đội nồi rang trên đầu. Nhiều tháng liền, ở đây không có lấy một cơn mưa. Hai bên đường, những nương đất trồng mì không còn thấy màu xanh, nhiều cây xoài chết khô do thiếu nước.


Chỉ tay về phía 7 sào đất trồng mì của gia đình, lão nông Hoàng Văn Mộc (79 tuổi) thở dài: “Mì trồng từ tháng 3 tới giờ mà cây lớn không nổi, mới nhìn vào như ruộng đất chưa được trồng cây”. Cạnh đó, 2ha đất trồng mía và mì của ông Võ Thanh Phú - Trưởng thôn Vĩnh Nam cũng thảm hại không kém. Một nửa diện tích cây trồng đã chết, một nửa thì đang trong tình trạng ngắc ngoải. Được biết, toàn xã Cam An Nam gieo trồng 270ha mì vụ mùa 2014, nhưng do nắng hạn kéo dài nên cây trồng đã bị nắng cháy 50% tổng diện tích. Ngoài xã Cam An Nam, các địa phương khác trên địa bàn huyện Cam Lâm cũng bị thiệt hại nặng nề. Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, nắng nóng dữ dội kéo dài suốt nhiều tháng qua đã làm hơn 950ha cây trồng của người dân bị khô cháy vì thiếu nước.

Lão nông Hoàng Văn Mộc bần thần vì ruộng mì chết khô.
Lão nông Hoàng Văn Mộc bần thần vì ruộng mì chết khô.


Nắng hạn không chỉ lấy đi màu xanh của cây mì, cây mía mà còn làm cây lúa héo khô. Về các xã: Vạn Lương, Vạn Phú, Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) những ngày này mới thấy những cánh đồng lúa nằm phơi mình bạc phếch dưới cái nắng chang chang, mặt ruộng khô khốc, nứt nẻ. Ông Võ Kim Châu - cán bộ khuyến nông xã Vạn Phú cho biết, do hạn hán kéo dài nên toàn xã có hơn 250ha đất màu ở khu vực cao không thể xuống giống; hơn 300ha lúa ở khu vực trũng đang trong giai đoạn làm đòng cũng đứng trước nguy cơ mất trắng. “Hiện nay, nguồn nước lấy từ đập dâng sông Mỏ và Vinh Huề cung cấp cho xã đã xuống rất thấp. Nếu trong vòng 1 tuần nữa mà không có mưa thì diện tích lúa này chỉ dùng làm thức ăn cho trâu, bò”, ông Châu nói. Để cứu cây lúa, một số người dân ở xã Vạn Lương đã tự đào, khoan hơn 10 cái giếng trên đồng ruộng lấy nước tưới. Tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Thiếu nước, các chân ruộng nứt nẻ.
Thiếu nước, các chân ruộng nứt nẻ.


Còn ở thị xã Ninh Hòa, hiện nay có 210ha lúa đang bị khô hạn, cháy, tập trung ở các xã: Ninh Hà, Ninh Hưng, Ninh Xuân, Ninh Lộc... Trên đường đi lên đập Sở Quan (nguồn cung cấp nước tưới cho 77ha lúa của xã Ninh Lộc), dọc 2 bên đường, nhiều chân ruộng khô nứt nẻ, những cây lúa non đã vàng lá. Chỉ cách đập Sở Quan chưa đầy 100m nhưng ruộng lúa của bà Hồ Thị Nho dày đặc vết khô nứt. Bà Nho ngậm ngùi: “Cứ nghĩ ruộng nằm gần đập sẽ không phải lo về nước nên gia đình tôi vẫn gieo sạ, dù xã đã khuyến cáo không sản xuất ở chân ruộng cao. Bây giờ, đập cũng cạn trơ đáy nên số lúa này coi như chờ... chết”.


Nắng hạn đe dọa vụ Hè Thu


Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, toàn tỉnh đã xuống giống sản xuất 15.728/18.537ha lúa vụ Hè Thu. Tuy nhiên, do nắng nóng, các hồ đập chứa nước đã ngấp nghé mực nước chết nên 6.731ha lúa có khả năng bị hạn. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa. Hiện nay, nhiều địa phương không có nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp...

Đập Sở Quan (Ninh Hòa) cạn khô trơ cả đáy.
Đập Sở Quan (Ninh Hòa) cạn khô trơ cả đáy.


Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm cho biết: “Những năm trước, vào thời điểm này, lượng nước trong các hồ còn đủ sản xuất vụ Hè Thu, nhưng năm nay thì quá cạn, chỉ đủ nước phục vụ sinh hoạt. Trên địa bàn huyện, xã Cam Phước Tây không có nước để gieo sạ lúa vụ Hè Thu. Hiện nay, toàn huyện có 1.596ha lúa vụ Hè Thu, nhưng có đến 300ha phải chuyển sang trồng hoa màu vì không có nước tưới cho cây lúa. Nếu nắng nóng còn kéo dài, vụ Hè Thu sẽ khó bảo đảm”. Còn theo ông Nguyễn Hồng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, trên địa bàn huyện, mực nước tại các công trình thủy lợi đã xuống rất thấp, thậm chí như đập Suối Lớn đã xuống mực nước chết. Do đó, công tác tưới cho vụ Hè Thu ở huyện gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện có khoảng 600ha cây trồng, chủ yếu là cây lúa đang rơi vào tình trạng khô hạn, có nguy cơ mất trắng. Để “chữa cháy”, người dân ở các xã đã chủ động điều máy bơm nước đến cứu lúa, nhưng cũng chỉ cầm chừng được ít ngày.


Theo Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa, tính đến ngày 26-6, hồ chứa nước Suối Trầu (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) đã xuống dưới mực nước chết. Các hồ chứa như: Hoa Sơn, Đá Đen (huyện Vạn Ninh), Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa), Suối Dầu (huyện Cam Lâm), hồ Cam Ranh... đã ngấp nghé mực nước chết. Mực nước các hồ chứa, đập dâng, sông suối đều thấp hơn trung bình nhiều năm. “Tuy mực nước xuống thấp, nắng nóng kéo dài nhưng tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh vẫn còn kiểm soát được. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã có phương án phòng, chống hạn và xâm nhập mặn mùa khô năm 2014. Tuy nhiên, nếu đến tháng 8 trời không mưa thì diện tích sản xuất sẽ bị hạn và thiệt hại nặng nề”, ông Nguyễn Duy Quang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa nói.  


Được biết, Sở NN-PTNT vừa đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khoảng 6,6 tỷ đồng để thực hiện công tác bơm nước chống hạn; đồng thời đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy, đầu tư các công trình chống hạn. Trong khi chờ tỉnh hỗ trợ, các địa phương đang vận động người dân không sản xuất lúa vụ Hè Thu, chuyển đổi cây trồng phù hợp; đồng thời phân bổ kinh phí dự trù chi cho các hoạt động như: thuê máy bơm, nạo vét kênh mương, khoan giếng, mua giống cây trồng... để giúp người dân bớt thiệt hại do hạn hán.


Nhóm phóng viên