10:10, 05/10/2013

Nhịn!

Phòng xử 3 bị cáo cùng phạm tội cố ý gây thương tích tại Tòa án nhân dân TP. Nha Trang chật kín. Người dự chủ yếu là người thân, họ hàng của các bị cáo, người bị hại, có liên quan. Những gương mặt đều bộc lộ vẻ lo lắng.

Phòng xử 3 bị cáo cùng phạm tội cố ý gây thương tích tại Tòa án nhân dân TP. Nha Trang chật kín. Người dự chủ yếu là người thân, họ hàng của các bị cáo, người bị hại, có liên quan. Những gương mặt đều bộc lộ vẻ lo lắng.


Thương tích của anh Khải và Thâm (bạn Khải) bắt nguồn từ chuyện hết sức... vớ vẩn! Khoảng 23 giờ ngày 15-6-2012, tại khu vực Vĩnh Hiệp, Nha Trang, Khải vào quán xem tivi nhưng không để ý nên ngồi chắn trước mặt ông Hợi (là chú). Ông Hợi bực Khải không biết “ngồi trông hướng” nên mắng rồi xông vào đấm cháu, gây thương tích 25%. Dù vậy, Khải chỉ nín lặng bỏ về và gọi Thâm, bạn mình chở đi bệnh viện. Nhưng Thâm lại bực thay cho bạn nên chở Khải qua đòi ông Hợi phải đưa tiền đi viện; ông Hợi không chịu mà còn quát tháo tiếp. Hai bên kình cãi. Nhóm bạn của con trai ông Hợi gồm Xuân, Chiến, Trung thấy vậy liền xông vào đánh, khiến Thâm bị thương tích 12%. Sau khi nộp đơn yêu cầu khởi tố ông Hợi, Khải đã xin rút đơn.


Phiên phúc thẩm chiều cùng ngày tại Tòa án nhân dân tỉnh đối với 2 bị cáo bị kết án về tội cố ý gây thương tích cũng có một số tình tiết tương tự. Khoảng 18 giờ ngày 19-12-2012, thấy anh Nghĩa và anh Hà chích điện bắt lươn ở khu ruộng nhà mình, Thọ ngăn lại vì sợ lở bờ ruộng, nhưng hai anh này không nghe. Bực bội, Thọ về nhà lấy rựa và rủ Phú cùng đi đánh anh Nghĩa và Hà, làm anh Nghĩa bị thương tích 25%, anh Hà 3%.


Hai phiên xử cùng một ngày, cùng tội danh, cùng có yếu tố lỗi của người bị hại, đã cùng thể hiện một chữ không có trong hành xử của các đối tượng: Chữ “Nhịn”! Tại Tòa, vị hội thẩm nhân dân phân tích, giá như anh Khải, anh Thâm ôn tồn hơn một chút thì đã không xảy ra chuyện. Hơn nữa, lúc đó ông Hợi vừa uống bia xong, có chút men nên nóng tính hơn, do đó càng nên nhịn mới phải. Vị hội thẩm tiếp: “Bị hại đã nhịn được đến thế rồi, lại biết ông ấy đang say, sao còn để bạn mình tới vặn vẹo, để rồi người bị thương, kẻ vào tù chỉ vì một chỗ ngồi xem tivi?”. 3 bị cáo này đã phải chịu mức án nghiêm khắc: Xuân: 2 năm 6 tháng tù, Chiến: 2 năm 3 tháng tù, Trung: 2 năm tù. Tuy có xem xét việc bị cáo Thọ đã tác động gia đình bồi thường toàn bộ cho gia đình người bị hại, cũng như việc gia đình bị cáo Phú hiện rất khó khăn, cha đã chết, mẹ bệnh nặng và bị liệt người, nhưng đánh giá việc các bị cáo khá hung hăng, đi đánh người chích điện bắt lươn cả khi người ta đã rời khỏi khu ruộng nhà mình sang nơi khác, Tòa chỉ tuyên giảm 9 tháng tù giam cho 2 bị cáo, buộc Thọ chấp hành 2 năm 3 tháng tù giam, Phú chấp hành 1 năm 3 tháng tù giam.


Nghiệm lại câu của người xưa: “Một điều nhịn, chín điều lành”, mới thấy, xã hội sẽ yên bình hơn rất nhiều nếu mọi người sống vị tha hơn, biết bỏ qua cho nhau. Nhưng thật tiếc là một số đối tượng lại hành xử theo hướng ngược lại, thích chứng tỏ mình, nâng tầm sự việc, cho rằng bị xúc phạm, hoặc đóng vai “anh hùng thấy chuyện bất bình chẳng tha”... để rồi kẻ cả, khệnh khạng, hoặc hung hăng phách lối, tự cho mình là phải, sẵn sàng “xử” ngay những ai thấy không vừa mắt mà không cần biết quy định của pháp luật ra sao. Kiểu hành xử đó chắc chắn phải bị pháp luật nghiêm trị.


TAM THUẬT