09:01, 20/01/2021

Đẩy nhanh Điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong

Ngày 20-1, ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát khu vực bắc Vân Phong. Cùng đi có ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

 

Ngày 20-1, ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát khu vực bắc Vân Phong. Cùng đi có ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.


Triển khai điều chỉnh quy hoạch


Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, đến nay, khu vực bắc Vân Phong thu hút được 61 dự án (trong đó, 38 dự án đã đi vào hoạt động và 23 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 11.659 tỷ đồng, vốn thực hiện gần 2.000 tỷ đồng. Các dự án có quy mô lớn đang triển khai xây dựng như: Cảng tổng hợp bắc Vân Phong (417 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm (3.742 tỷ đồng), Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh (2.489 tỷ đồng). Những dự án đã đi vào hoạt động tại khu vực này chủ yếu là các dự án về du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng và nuôi trồng thủy sản với quy mô đầu tư không lớn, chủ yếu thu hút từ trước năm 2012.

 

Cảng tổng hợp bắc Vân Phong.

Cảng tổng hợp bắc Vân Phong.


Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng BQL KKT Vân Phong cho biết, hiện nay, khu vực bắc Vân Phong có một số dự án lớn đã được chấp thuận chủ trương thu hút đầu tư như: Khu sản xuất công nghiệp tập trung Dốc Đá Trắng, tổng vốn 1.800 tỷ đồng, diện tích khoảng 288ha; Khu Công nghiệp Vạn Thắng, diện tích 144ha (vừa qua có 4 doanh nghiệp đề xuất, BQL KKT Vân Phong đang tham mưu UBND tỉnh trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định); Khu phi thuế quan có diện tích khoảng 920ha (đang thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở thu hút đầu tư). Ngoài ra, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp quan tâm đề xuất các dự án trong khu vực này. Tuy nhiên, do chủ trương xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nên nhiều dự án bị tạm dừng. Hiện nay, UBND tỉnh tiến hành thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong nên các đề xuất đầu tư vẫn sẽ dừng lại, chỉ xem xét sau khi quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mới đây, BQL KKT Vân Phong đã hoàn chỉnh hợp đồng với các bên làm đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong. Bên cạnh đó, ban cũng phối hợp với UBND huyện Vạn Ninh, UBND thị xã Ninh Hòa và các đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và kinh tế biển

 

Để KKT Vân Phong có thể nhanh chóng phát triển, BQL KKT Vân Phong kiến nghị UBND tỉnh sớm ủy quyền cho BQL các nhiệm vụ và quyền hạn theo nội dung hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sớm có kế hoạch vốn đầu tư để kịp triển khai các dự án cơ sở hạ tầng KKT trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025; chỉ đạo Sở Tài chính sớm bố trí nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện việc cắm mốc ranh giới Khu Công nghiệp Vạn Thắng và lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng khác trong KKT. Bên cạnh đó, ban kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục xem xét, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ còn lại theo kết luận của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh sớm chủ trì, tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương và các đơn vị tư vấn để thống nhất phương thức triển khai việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Ông Nguyễn Khắc Định khảo sát thực địa.

Ông Nguyễn Khắc Định (bìa phải) khảo sát thực địa.

 

Ông Đàm Ngọc Quang - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cũng phản ánh với đoàn công tác một số khó khăn tại khu vực bắc Vân Phong như: Nguy cơ thiếu nguồn nước khi KKT đồng loạt khởi động các dự án; vấn đề giá đất đền bù hiện nay của Nhà nước có sự chênh lệch so với giá thị trường dẫn đến những khó khăn nhất định cho địa phương khi cần giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn. Vì vậy, UBND huyện đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu để có giá đất hợp lý khi thu hồi.


Nhằm sớm hoàn thiện hạ tầng và cơ chế để thu hút đầu tư vào khu vực Vân Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu BQL KKT Vân Phong phải khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong. Đối với các kiến nghị của BQL, UBND tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể. Thời gian tới, khi kiến nghị các vấn đề liên quan đến Vân Phong, BQL cần kèm luôn dự thảo tham mưu hướng giải quyết. Về việc ủy quyền, BQL cần chủ động xây dựng dự thảo nội dung và tính đến việc phối hợp với địa phương. Đối với các dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh cho phép BQL xử lý theo thẩm quyền, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo lại. Riêng nội dung liên quan đến ngân sách, ông Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu BQL KKT Vân Phong rà soát và kiến nghị sớm; đồng thời, giao Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu vấn đề này.


Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Định yêu cầu UBND tỉnh, BQL KKT Vân Phong đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong giai đoạn 2021 - 2030; lưu ý đến vấn đề mở rộng ra phía biển, khu vực nào nhiều bãi bồi, bùn lầy có thể lấn biển được thì nghiên cứu lấn biển nhằm tăng quỹ đất; phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Đối với đề án cơ chế chính sách đặc thù cho KKT Vân Phong, tỉnh sẽ đề xuất với Chính phủ cho Vân Phong hưởng ưu đãi như các KKT ven biển Phú Quốc, Vân Đồn, Nhơn Hội, Dung Quất… Trong khoảng thời gian từ ngày 20-2 đến 10-3, tỉnh sẽ sắp xếp tổ chức cuộc họp với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương và các đơn vị tư vấn để thống nhất phương thức triển khai việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong. Đối với các vấn đề còn lại, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện. Ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: “Chúng ta phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp và kinh tế biển. Lâu nay, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng quá cao trong cơ cấu kinh tế nhưng dễ bị tác động. Hiện nay, bên cạnh vẫn giữ vững phát triển du lịch, tỉnh phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp cao hơn trong cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững”.


Đình Lâm