11:06, 27/06/2014

Cần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lặn biển

Lặn biển là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ này ngoài giấy phép kinh doanh còn bắt buộc phải có giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao môn bơi lặn biển do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cấp.

Lặn biển là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ này ngoài giấy phép kinh doanh còn bắt buộc phải có giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao môn bơi lặn biển do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cấp.


Các hoạt động kinh doanh dịch vụ lặn biển ở Khánh Hòa thời gian qua phát triển rất nhanh, thu hút nhiều khách du lịch đến với biển Nha Trang, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động này hiện đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.


Theo Sở VH-TT-DL, hiện nay 10/11 DN đang hoạt động trong lĩnh vực này có GCN đã hết hạn từ cuối năm 2013, có DN chưa được cấp GCN vẫn kinh doanh dịch vụ lặn biển. Ban Quản lý vịnh Nha Trang cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng khách lặn biển ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi Hòn Mun) khoảng 10.500 khách. Trong đó, Scuba Dive (GCN hết hạn từ 31-12-2013) và Rain Bow (GCN hết hạn từ 20-10-2013) có số lượng khách đông nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Lặn biển là dịch vụ kinh doanh phức tạp. Những phương tiện phục vụ lặn như bình khí, kiểm tra sức khỏe, sơ cấp cứu phải được kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên. Trong khi đó, bình khí của những đơn vị này chưa có nhãn mác riêng để phân biệt trong quản lý trang thiết bị. Điều này dẫn đến tình trạng DN mượn bình khí của nhau, khó đảm bảo chất lượng kỹ thuật. Ông Nguyễn Đức Sơn, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao Sở VH-TT-DL cho biết: “GCN có thời hạn 2 năm. Theo nguyên tắc, GCN đã hết hạn thì DN phải đăng ký cấp mới. Nếu tiếp tục hoạt động không có GCN thì vi phạm quy định của Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”.


Ông Nguyễn Duy Khương, Giám đốc Công ty TNHH Sailing Club Divers (GCN có thời hạn đến 30-3-2016) cho rằng: “Kinh doanh lặn biển phải có GCN là tuân thủ pháp luật. GCN này là sự thẩm định của cơ quan quản lý chất lượng dịch vụ chứng minh DN đủ điều kiện kinh doanh, đảm bảo an toàn cho du khách. Tôi nghĩ, tất cả các DN phải tuân thủ pháp luật trong kinh doanh thì mới công bằng”.


Ngoài ra, yêu cầu phải có nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe trước khi lặn biển, sơ cứu cấp cứu trong trường hợp xảy ra sự cố cho du khách cũng chưa được các DN chú trọng. H.K, nhân viên Công ty Vietravel Chi nhánh Nha Trang (GCN hết hạn từ ngày 31-12-2013) cho hay: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi vẫn tổ chức cho khách lặn biển thường xuyên. Khách tự cam kết về sức khỏe, chúng tôi đối chiếu đủ điều kiện là cho lặn. Công ty không có nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe khách lặn”. DN tư nhân lặn biển Thiên Thần chưa được cấp GCN. Tuy nhiên khi chúng tôi gọi điện để đặt dịch vụ lặn biển thì được mời tới trụ sở đăng ký.


Công tác thẩm định cấp mới GCN giúp các đơn vị kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho người tham gia lặn biển. Việc bảo vệ khách du lịch cũng chính là bảo vệ thương hiệu cho du lịch Khánh Hòa. Tuy nhiên, Phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao chỉ mới thống kê những DN hết hạn GCN chứ không có quyền xử phạt. Ông Nguyễn Đức Sơn cho biết: “Chúng tôi chỉ tham mưu và kiến nghị vấn đề với Thanh tra Sở VH-TT-DL. Việc triển khai và rà soát các đơn vị kinh doanh môn bơi lặn biển do Thanh tra Sở tiến hành”.


Việc phát triển loại hình du lịch lặn biển đã tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách khi đến Nha Trang - Khánh Hòa. Chính vì vậy, việc  nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch an toàn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch. Rất mong các cơ quan chức năng kiểm tra và chấn chỉnh để DN nhận thức đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi khi kinh doanh đúng quy định pháp luật, bảo vệ thương hiệu du lịch Khánh Hòa.


Hương Quỳnh