10:01, 27/01/2020

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp

Mùa hè năm 1943, Chế Lan Viên đặt chân đến Nha Trang. Chàng thi sĩ tài hoa này đến đây không phải để "ngắm trời bể đẹp"(*) như một câu thơ ông viết sau này mà là nhờ giải quyết chuyện hệ trọng của đời mình: cầu viện Quách Tấn cho một cuộc hôn nhân.

Mùa hè năm 1943, Chế Lan Viên đặt chân đến Nha Trang. Chàng thi sĩ tài hoa này đến đây không phải để “ngắm trời bể đẹp”(*) như một câu thơ ông viết sau này mà là nhờ giải quyết chuyện hệ trọng của đời mình: cầu viện Quách Tấn cho một cuộc hôn nhân.


. Học chữ Hán qua thư


Các nhà phê bình văn học xếp Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên vào nhóm “Bàn thành tứ hữu” (bốn người bạn ở thành Đồ Bàn). Quách Tấn được coi như anh cả vì ông lớn tuổi nhất (sinh năm 1910), nhỏ nhất là Chế Lan Viên (sinh năm 1920). Anh cả Quách Tấn bấy giờ đã vợ con đề huề và là một viên chức nhà nước nên có thể cưu mang những người bạn thơ của ông mỗi khi ngặt nghèo.

 

Chế Lan Viên (ngoài cùng bên phải) cùng nhà thơ Nguyễn Đình (giữa) và Quách Tấn tại Nha Trang. (Ảnh do ông Quách Giao cung cấp)

Chế Lan Viên (ngoài cùng bên phải) cùng nhà thơ Nguyễn Đình (giữa) và Quách Tấn tại Nha Trang. (Ảnh do ông Quách Giao cung cấp)


Chế Lan Viên nhỏ tuổi nhất nhóm nên ông cũng là người lận đận nhất dù năm lên 17 (1937), tên tuổi đã vang danh khắp thi đàn cả nước sau khi ông trình làng tập thơ Điêu tàn. Sau khi lấy bằng thành chung ở Quy Nhơn, Chế Lan Viên đi làm báo rồi dạy học ở các trường tư thục. Có một chuyện mà mỗi khi nhắc lại tình bạn giữa Quách Tấn và Chế Lan Viên, rất nhiều nhà thơ cùng thời nể phục, trở thành giai thoại lúc bấy giờ. Đó là chuyện Quách Tấn dạy Chế Lan Viên học chữ Hán.


Số là, sau chuyến ra Hà Nội năm 1939 để tiếp tục học tú tài nhưng rồi dở dang, Chế Lan Viên vào Sài Gòn làm báo nhưng cũng bất thành, ông ra Thanh Hóa để dạy tư, thực ra là kèm cặp cho cậu ấm con một vị quan thời ấy, với yêu cầu là làm sao cho học trò vừa giỏi tiếng Pháp vừa thông tiếng Hán. Tiếng Pháp lẫn môn Việt văn với Chế Lan Viên không có gì khó khăn, nhưng tiếng Hán với ông quả là một thử thách. Ông bèn viết thư cho Quách Tấn - người rất tinh thông Hán học và giỏi cả Pháp văn để xin chỉ giáo. Nhận được thư, Quách Tấn không khỏi băn khoăn nhưng rồi ông cũng quyết định gửi thư cho Chế Lan Viên và nói rằng, đều đặn hàng tuần, ông sẽ viết một “bài luận” như một giáo trình bằng chữ Hán kèm các chú giải. Chế Lan Viên cứ thế mà học thuộc và “truyền đạt” lại cho học trò. Với bản tính thông minh trời cho, Chế Lan Viên nhanh chóng “nhập tâm” cả một giáo trình tiếng Hán mà bạn mình gửi, đồng thời truyền đạt đúng “tinh thần” ấy cho học trò. Sau một năm, cả thầy và trò đều tiến bộ với giáo trình tiếng Hán của Quách Tấn!


Tình bạn của nhóm “Bàn thành tứ hữu” có rất nhiều giai thoại, ví như chuyện Yến Lan trèo lên cây mận già trong vườn của Quách Tấn “hái trộm” tặng lũ nhỏ bị Quách Tấn “bắt quả tang” để mấy chục năm sau, Quách Tấn còn làm thơ nhắc lại kỷ niệm này. Hoặc như Quách Tấn chính là người đã dời mộ Hàn Mặc Tử từ trong nghĩa địa của Trại phong Quy Hòa ra Ghềnh Ráng Quy Nhơn ngày nay… nhưng có lẽ những kỷ niệm cùng giai thoại với Chế Lan Viên là đáng nhớ nhất.


. Mối tình thầy trò


Nhà nghiên cứu văn hóa Quách Giao - con trai cả của nhà thơ Quách Tấn hiện định cư tại Nha Trang, nhớ lại: “Vào khoảng năm 1942 - 1943, Chế Lan Viên dạy học tại Trường Trung học tư thục Chấn Thanh Đà Nẵng. Trong lớp có hai thiếu nữ yêu thầm thầy giáo của mình. Một trong hai cô đó là Nguyễn Thị Giáo. Chế Lan Viên đã đáp lại tình yêu đó với cô học trò. Vụ việc bại lộ, gia đình bên người yêu cấm cửa, Chế Lan Viên quyết định bỏ dạy và vào Nha Trang, có lẽ là để “cầu viện” cha tôi. Thím Giáo cũng bỏ nhà cùng đi theo chú Chế Lan Viên. Sau này nghe cha tôi kể rằng, hai người đi bằng tàu lửa nhưng xuống trước một ga vì có “mật báo” là gia đình thím Giáo đi ô tô đuổi theo và “đón lõng” tại ga Nha Trang. Thím Giáo là con một gia đình khá giả ở Đà Nẵng, họ không đồng ý cuộc tình đó với hai lý do, một là lỗi đạo vì tình thầy trò, hai là nhà chú Chế Lan Viên quá nghèo”.


Cũng theo lời kể của ông Quách Giao, cha ông gửi Nguyễn Thị Giáo vào ở tạm trong Trường Đoàn Thị Điểm, còn Chế Lan Viên thì ở tạm nhà của nhà thơ Nguyễn Đình. Thấy hai người quyết tâm đến với nhau nên Quách Tấn quyết định thuyết phục bên nhà gái. Biết không thể giữ con gái mình được nữa nên nhà gái đồng ý gả.


Năm 1946, chiến tranh nổ ra, Chế Lan Viên tạm biệt vợ con lên đường kháng chiến. Mãi đến sau ngày hòa bình năm 1954, ông mới có dịp đoàn tụ cùng vợ con trên đất Bắc. Năm 1958, một sự cố đã xảy ra với tổ ấm tưởng chừng không gì phá vỡ này khi Chế Lan Viên sang Trung Quốc điều trị bệnh. Họ buộc phải chia tay nhau vì không thể nào hàn gắn được. Phát biểu lời sau cùng tại tòa, Chế Lan Viên đã đọc một bài thơ làm tất cả những ai có mặt hôm đó đều xúc động: “Đến chỗ đông người anh biệt em/Quay đi thôi chớ để anh nhìn/Mày em trăng mới in ngần thật/Cắt đứt lòng anh trăng của em”. Số là, bà Giáo có cặp lông mày rất đẹp, y như mảnh trăng vậy. Thế mới biết, Chế Lan Viên đã yêu vợ và trân trọng mối tình ấy biết nhường nào nhưng rồi ông cũng phải buông tay trong đau đớn.


Mối tình ấy, gần nửa thế kỷ sau, năm 1989, trên giường bệnh - căn bệnh mà năm 1958 ông qua Trung Quốc chữa trị, nay tái phát - Chế Lan Viên đã viết bài thơ như một lời thú nhận: “Yêu ở đâu thì yêu/Về Hội An xin chớ/Hôn một lần ở đó/Một đời vang thủy triều” (Đừng hôn ở Hội An). Nụ hôn với cô học trò, đến nửa thế kỷ sau, những con sóng của cuộc tình ngày ấy vẫn còn vang vọng trong ông.


T.Đ

_______________________________
 
               (*) “Tôi đến Nha Trang
       ngắm trời bể đẹp


              Có hay đâu hang
      Pắc Bó gió lùa


             Giường lãnh tụ là
      hai hàng đá ghép

            Mảnh áo chàm Bác
     mặc quá đơn sơ”


(Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi - Chế Lan Viên).