12:06, 26/06/2015

Trọng dân, tin dân

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành thảo luận, góp ý kiến xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân. Trong quá trình xây dựng đạo luật này, tinh thần "trọng dân, tin dân" được quán triệt xuyên suốt.

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành thảo luận, góp ý kiến xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân. Trong quá trình xây dựng đạo luật này, tinh thần “trọng dân, tin dân” được quán triệt xuyên suốt.


Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn và đầy đủ sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân là thể hiện niềm tin vào nhân dân, tin vào bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân. Về phía mình, khi được lắng nghe một cách thực sự cầu thị, đối với những vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước, người dân sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng kề vai sát cánh mà gánh vác, mà chia sẻ.


Luật Trưng cầu ý dân xây dựng các nguyên tắc, điều kiện cần thiết, quy trình, thủ tục, các bước tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân; quy định cơ chế và hoạt động giám sát của nhân dân đối với công tác trưng cầu ý dân nhằm bảo đảm công tác này được tổ chức thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch và hiệu quả thực sự.


Ai cũng biết, những vấn đề hệ trọng của đất nước phải được toàn dân quyết định chứ không thể một bộ phận người dân, một khu vực hay địa phương nào đó. Thế còn những vấn đề cụ thể của từng địa phương, từng khu vực thì sao? Nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành trưng cầu ý dân chủ yếu ở địa phương, cơ sở và hiệu quả rất rõ ràng.


Có thể lấy việc xây dựng mẫu tàu đánh cá trong khuôn khổ thực hiện Nghị định 67 làm một ví dụ. Do chưa được ngư dân đóng góp ý kiến, tất cả 21 mẫu tàu vỏ thép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều không được ngư dân cả nước chấp nhận. Nguyên nhân rất đơn giản: Thiết kế không phù hợp với thực tế, với điều kiện hoạt động đánh bắt trên những ngư trường cụ thể, với những điều kiện cụ thể. Trong câu chuyện này, vai trò, ý nghĩa của thực tiễn đã bị bỏ qua; chưa được coi trọng; mà như vậy, những mẫu thiết kế tàu nói trên khó lòng phục vụ thực tiễn cho việc đánh bắt.


Riêng ở Khánh Hòa, câu chuyện xây dựng Chợ Đầm là một bài học kinh nghiệm sâu sắc. Người dân ở đây đã không được thông tin một cách công khai, minh bạch và kịp thời. Nếu người dân được nắm thông tin, được góp ý, chắc chắn công việc xây dựng Chợ Đầm sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn rất nhiều, bởi có được sự đồng thuận. Hoặc như, mới đây, dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến trước quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng của UBND tỉnh. Với ý nghĩa đó, trong quá trình điều chỉnh, trước khi phê duyệt quy hoạch, UBND tỉnh nên tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội.


Thực ra, lâu nay, chúng ta có rất nhiều kênh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đó là ở các diễn đàn cử tri, từ HĐND các cấp cho tới Quốc hội; trên các phương tiện thông tin đại chúng... Những ý kiến của nhân dân từ vấn đề mang tầm vĩ mô của đất nước cho tới những câu chuyện cụ thể của một địa phương cũng đã đến được với những người có trách nhiệm.


Xây dựng Luật Trưng cầu ý dân lần này được ghi nhận là một bước phát triển mới của tinh thần “trọng dân, tin dân”.


PHONG NGUYÊN