09:09, 15/09/2021

Chủ động khôi phục kinh tế

Sáng 15-9, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự.

 

Sáng 15-9, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) chủ trì hội nghị trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đầu tư công năm 2022. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự.


Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn


Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, 8 tháng năm 2021, kinh tế khu vực miền Trung và Tây Nguyên cơ bản tiếp tục giữ được sự tăng trưởng, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm một số địa phương gặp khó do đứt gãy chuỗi cung ứng. Một số địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng thấp. Riêng vùng Tây Nguyên có 3/5 địa phương dự kiến không đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021.

 

Dự án Đập ngăn mặn sông Cái.

Dự án Đập ngăn mặn sông Cái.


Đối với Khánh Hòa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến trong 9 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giảm 8,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,5%; khu vực dịch vụ giảm 14,43%. Đối với vốn đầu tư công, 9 tháng năm 2021, so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân của tỉnh ước đạt 58,3%; so với kế hoạch vốn tỉnh giao thực tế, tỷ lệ giải ngân đạt 64,3%.


Năm 2022, Khánh Hòa phấn đấu GRDP tăng 6,5-7%


Năm 2022, các địa phương khu vực miền Trung dự kiến một số chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7 – 8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 665.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD; thu ngân sách đạt 176.000 tỷ đồng… Riêng khu vực Tây Nguyên, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,71%; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,46 tỷ USD; thu ngân sách đạt 30.410 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm…


Đối với tỉnh Khánh Hòa, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 hướng tới mục tiêu GRDP ước tăng từ 6,5 đến 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 12% so với năm 2021. Các tiêu chí xã hội cũng hướng đến tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,03%; tăng thêm 11.500 vị trí việc làm cho người lao động... Dự kiến năm 2022, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước là 5.133,176 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương khoảng 3.429,6 tỷ đồng; nguồn bội chi hơn 287 tỷ đồng; nguồn vốn trung ương hỗ trợ 886,71 tỷ đồng; nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gần 530 tỷ đồng.


Kiến nghị nhiều nội dung


Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho phép Khánh Hòa nghiên cứu, xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” bằng các chuyến bay charter đến tỉnh; bổ sung cho Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ ngày hôm sau; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đầu tư vào bảo hiểm lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; mở rộng địa bàn, đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nhằm giúp nông dân có nguồn vốn tái sản xuất khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.


Đặc biệt, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị Trung ương bổ sung Khu kinh tế Vân Phong vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư; có cơ chế về rà soát quy hoạch rừng trong các khu chức năng của Khu kinh tế Vân Phong; bố trí bổ sung nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, vốn ODA cấp phát giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai hoàn thành các dự án chuyển tiếp của tỉnh; cho phép tỉnh để lại một phần (không thấp hơn 70%) số tăng thu so với dự toán của hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường…


Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông đề nghị các địa phương phối hợp các bộ, ngành triển khai những giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chủ động, khẩn trương xây dựng đề án khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 cần bám sát Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương chỉ đạo sát sao các chủ đầu tư, nhà thầu tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện quyết liệt các giải pháp để đến ngày 30-9, đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 60%. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 sát với tình hình thực tế, nhu cầu địa phương, gắn với mục tiêu về phát triển KT-XH, định hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm, khâu đột phá của quy hoạch ngành, lĩnh vực. Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các địa phương để cùng vượt qua khó khăn, thực hiện cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH.

 

6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của khu vực miền Trung và Tây Nguyên ước đạt 6,4%, cao hơn bình quân cả nước và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao như: Quảng Nam 11,71%, Thanh Hóa 8,66%, Nghệ An 7,58%, Bình Thuận 7,53%. Tổng vốn ngân sách nhà nước giao cho các địa phương trong vùng là 68.107 tỷ đồng; 8 tháng năm 2021, thu ngân sách các địa phương đạt 139.300 tỷ đồng, bằng 88% so với dự toán năm; thu ngân sách toàn vùng ước cả năm đạt 182.500 tỷ đồng, chiếm 12,1% cả nước, tăng khoảng 15% so với dự toán Trung ương giao, có 12/14 tỉnh đạt và vượt dự toán Trung ương giao, 2 địa phương dự kiến chỉ tiêu thu ngân sách không đạt là TP. Đà Nẵng và Khánh Hòa.

 

Đình Lâm