12:08, 19/08/2021

Một cuộc khởi nghĩa tài tình

Chuyện khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Nha Trang - Khánh Hòa đã được nhiều người biết đến. Nhưng phải đọc Lịch sử Đảng bộ tỉnh cùng tập hồi ký Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa mới hiểu sâu hơn về những bước chuẩn bị âm thầm, kỹ lưỡng của những chiến sĩ cách mạng, nhân dân Khánh Hòa để làm nên thắng lợi cuộc khởi nghĩa hết sức tài tình...

Chuyện khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Nha Trang - Khánh Hòa đã được nhiều người biết đến. Nhưng phải đọc Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa cùng tập hồi ký Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa mới hiểu sâu hơn về những bước chuẩn bị âm thầm, kỹ lưỡng của những chiến sĩ cách mạng, nhân dân Khánh Hòa để làm nên thắng lợi cuộc khởi nghĩa hết sức tài tình, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại độc lập cho nước nhà.


Âm thầm chuẩn bị lực lượng


Trong hồi ức Những ngày tháng Tám của Nha Trang, ông Trần Oanh (người kéo cờ trong ngày khởi nghĩa 19-8, hiện sống ở Hà Nội) kể lại: Đầu năm 1942, đồng chí Trần Chí Hiền từ nhà lao Trà Khê (Phú Yên) về Nha Trang đã truyền đạt một tài liệu vô cùng quý giá là bản Điều lệ Việt Minh. Bản điều lệ không dài nhưng có một nội dung vô cùng lớn lao, hướng dẫn hành động rất thiết thực và phổ cập, nhằm tập hợp những ai có lòng yêu nước để đánh Tây, đuổi Nhật, giành lại độc lập cho nước nhà, tự do, no ấm cho nhân dân... Điều lệ Việt Minh có sức hút thần kỳ, dễ đi vào lòng người, chẳng bao lâu ở Nha Trang đã hình thành được các tổ chức cứu quốc đầu tiên: Hội Công nhân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc và Hội Phụ nữ cứu quốc…. Đến cuối năm 1942 đã thành lập được Ban chấp hành Việt Minh Nha Trang. Vào cuối năm 1944, Việt Minh chọn những hội viên cứu quốc trung kiên nhất để thành lập đội tự vệ Việt Minh”, ông Trần Oanh nhớ lại.

 

Tranh về khởi nghĩa giành chính quyền - Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tranh về khởi nghĩa giành chính quyền - Cách mạng tháng Tám năm 1945.


Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), phong trào Việt Minh ở Khánh Hòa phát triển rất mạnh. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, đến giữa năm 1945, ở thị xã Nha Trang, Việt Minh phát triển rộng rãi trong viên chức các sở công và tư, trong giới công thương, công nhân, lao động, những người buôn bán nhỏ. Đặc biệt, nhiều công chức cao cấp và trí thức có tên tuổi tại Nha Trang cũng hăng hái tham gia. Liên đoàn Thanh niên Khánh Hòa (do chính quyền tay sai lập ra) có trên 2.000 đoàn viên, với nòng cốt là thanh niên cứu quốc đã có nhiều hoạt động tích cực như: Cắm trại, họp mặt, tổ chức diễn thuyết về những gương liệt sĩ, anh hùng dân tộc để khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc… Lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền ở Nha Trang.  


Kế hoạch khởi nghĩa chặt chẽ


Nhận được tin Nhật sắp sửa đầu hàng quân đồng minh, đêm 12-8, lãnh đạo Việt Minh tỉnh đã tổ chức họp và thống nhất phải tận dụng thời cơ để phát động khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Sau cuộc họp, nhân dân Vạn Ninh đã khởi nghĩa thắng lợi vào rạng sáng 14-8, nhân dân Ninh Hòa đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở các vùng nông thôn… Trước diễn biến thuận lợi, đêm 15-8, Tỉnh ủy lâm thời mở cuộc họp để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh, mấu chốt là cuộc khởi nghĩa ở Nha Trang. Theo ông Trần Oanh, khởi nghĩa ở Nha Trang là vấn đề quan trọng và khá mạo hiểm bởi đến lúc ấy ở Nam Trung Bộ chưa đâu khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh, lệnh khởi nghĩa của cấp trên chưa đến nơi, trong tỉnh lại có cả sư đoàn lính Nhật.


Đêm 17-8-1945, Đại hội Việt Minh toàn tỉnh họp tại nhà ông Trần Dzụ Châu ở Phước Hải, Nha Trang bàn về kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh; bầu UBND cách mạng lâm thời do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm chủ tịch, Phạm Cự Hải - Phó Chủ tịch, Trần Chí Hiền - Ủy viên Quân sự, Nguyễn Minh Vỹ - Ủy viên Thư ký… Một thuận lợi lớn cho việc khởi nghĩa là chính quyền tay sai giao đồng chí Đào Thiện Thi (thủ lĩnh Liên đoàn Thanh niên Khánh Hòa nhưng lại là cán bộ Việt Minh) tổ chức cuộc mít tinh lớn dành cho thanh niên vào chiều 19-8 để mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định lợi dụng cuộc mít tinh này để biến thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh. “Tôi còn nhớ một cử chỉ của anh Hiền hôm ấy: Anh đặt khẩu súng lên bàn và tuyên bố thiết quân luật trong hội nghị là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tạo một không khí trang nghiêm cho hội nghị lịch sử này. Hội nghị kéo dài đến gần sáng, bàn từng chi tiết tiến hành cuộc khởi nghĩa, có sự phân công rõ ràng, đầy đủ”, ông Trần Oanh nhớ lại.


Kế hoạch khởi nghĩa tại Nha Trang được vạch ra một cách chu đáo, tỉ mỉ. Tất cả các tổ chức như: Thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, công thương gia, tự vệ chiến đấu… được lệnh bí mật chuẩn bị khởi nghĩa. Đồng chí Đào Thiện Thi được giao nhiệm vụ tranh thủ những điều kiện hợp pháp để tập hợp quần chúng và binh sĩ yêu nước ở Nha Trang đến địa điểm mít tinh. Để tăng thêm lực lượng, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định huy động thêm quần chúng ở huyện Vĩnh Xương (một phần Nha Trang hiện nay) và phủ Diên Khánh. Ủy ban khởi nghĩa cũng cắt cử lực lượng để khống chế quan lại tay sai, mật thám, hiến binh Nhật ở lễ mít tinh; bố trí lực lượng canh gác ở các công sở, cơ quan hành chính của địch để chờ quân khởi nghĩa đến chiếm. Trong hồi ức Nha Trang trong lòng tôi (tập hồi ký Mặt Trận Nha Trang - Khánh Hòa), ông Nguyễn Đình Bảy nhớ lại: “Tôi được giao nhiệm vụ bắt giữ Phan Thanh Kỷ cùng bọn đầu sỏ ngồi trên lễ đài. Kế hoạch đặt ra là, khi anh Đào Thiện Thi đọc diễn văn vạch trần tội ác đế quốc Pháp, phát xít Nhật, xóa bỏ bộ máy ngụy quyền, tuyên bố chính quyền về tay nhân dân… Anh Trần Tự Trọng đội viên đội tự vệ đến cạnh anh Đào Thiện Thi, anh Thám chỉ huy ra lệnh cho toàn đơn vị lính khố xanh tỏa ra vòng ngoài bảo vệ quần chúng mít tinh thì tôi bắt đầu hành động”.


Ngày lịch sử


Sáng 19-8-1945, phái đoàn Việt Minh đến Sở hiến binh Nhật thông báo rõ phía Nhật không được can thiệp vào cuộc cách mạng của nhân dân ta và hứa sẽ bảo đảm cho quân Nhật rút về nước an toàn. Trưa 19-8, từng đoàn người công khai mang gậy gộc, dây thừng, cầm cờ “quẻ ly” của chính phủ Trần Trọng Kim nhưng bên trong giấu cờ đỏ sao vàng và băng khẩu hiệu rầm rập kéo về sân vận động Nha Trang. Đến chiều, một rừng người đã phủ kín sân vận động Nha Trang. Quan lại chính phủ bù nhìn, hiến binh Nhật, mật thám… đều có mặt đông đủ. Các đội tự vệ cách mạng và lực lượng yêu nước trong đội hình lính khố xanh (lính của chính quyền bù nhìn) bám chặt bọn quan lại và những tên Việt gian đầu sỏ để sẵn sàng trấn áp ngay hành động chống đối của chúng. 15 giờ, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nha Trang bắt đầu bằng việc đồng chí Trần Oanh đứng sẵn ở chân cột cờ bất ngờ hạ cờ “quẻ ly” và nhanh chóng buộc lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng từ từ kéo lên trong tiếng hò reo của quần chúng nhân dân. Phút chốc, băng rôn, biểu ngữ của Việt Minh được tung ra. Bọn địch ngơ ngác, nhốn nháo. Một viên sĩ quan Nhật định bước lên liền bị tự vệ của ta chặn lại yêu cầu đứng yên tại chỗ. Đồng chí Đào Thiện Thi bước lên diễn đàn, thay mặt Ủy ban Việt Minh tỉnh Khánh Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tỉnh, chính quyền từ nay thuộc về Mặt trận Việt Minh và kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng. “Lời tuyên bố lịch sử đó đã làm chuyển cả thế cuộc. Lập tức 6 tự vệ với súng lục trong tay bao vây toàn bộ quan chức chính quyền tay sai và các sĩ quan Nhật giữa cuộc mít tinh, những đội tự vệ của ta kèm sát từ trước bắt trói gô bọn mật thám và bọn phản động thân Nhật. Hành động chớp nhoáng này đã trấn áp ngay lực lượng phản động, bảo vệ an toàn cho cuộc khởi nghĩa… Đội bảo an binh xiết chặt đội ngũ, nghiêm trang bồng súng chào lá cờ cách mạng, mắt sáng long lanh.


Cuối giờ chiều, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy. Quần chúng chia thành nhiều đoàn tỏa ra đi chiếm kho bạc, nhà đèn, máy nước, các công sở, cơ quan chính quyền bù nhìn các cấp, chiếm doanh trại lính khố xanh, mở nhà lao giải phóng tù nhân. Đoàn tuần hành đông nhất kèm sát viên tuần vũ Phan Thanh Kỷ tiến thẳng đến tòa sứ nơi đóng chân cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn, tịch thu ấn tín và các phương tiện làm việc. Tại đây, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa ra mắt nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Chi - Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thông báo vắn tắt chính sách của Việt Minh và kêu gọi đồng bào đoàn kết, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng.


Năm tháng trôi qua, nhưng ký ức về những ngày khởi nghĩa chưa bao giờ phai mờ trong lớp người đã làm nên lịch sử ngày ấy. “Ký ức về cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Nha Trang còn nguyên trong lòng tôi, như một trang đầu sáng ngời tình yêu đất nước”, ông Nguyễn Đình Bảy viết.


XUÂN THÀNH