10:08, 24/08/2021

Vị tướng trong lòng dân Khánh Hòa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) luôn được người dân Khánh Hòa hết sức kính trọng, yêu mến. Không chỉ vì ông là một vị tướng huyền thoại của dân tộc mà còn bởi ông có nhiều ân tình, kỷ niệm với xứ Trầm Hương.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) luôn được người dân Khánh Hòa hết sức kính trọng, yêu mến. Không chỉ vì ông là một vị tướng huyền thoại của dân tộc mà còn bởi ông có nhiều ân tình, kỷ niệm với xứ Trầm Hương.

Với Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa


Sự kiện 101 ngày đêm kháng chiến của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa (23-10-1945 đến 1-2-1946) là những trang sử chói lọi của lịch sử kháng chiến của quân và dân Khánh Hòa. Nhắc đến sự kiện đặc biệt này, những cựu binh năm xưa luôn tự hào về việc được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào kiểm tra tình hình và chỉ đạo phương hướng kháng chiến vào đầu năm 1946.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi công nhân nhà máy thuốc lá Khatoco năm 1994. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi công nhân nhà máy thuốc lá Khatoco năm 1994. Ảnh: Nguyễn Viết Thái


Cuối tháng 1-1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng của Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa để kiểm tra tình hình chiến sự, động viên cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ở phòng tuyến. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ ngay dưới giao thông hào. Ông nói: “Bác Hồ đã dặn tôi phải nhớ chuyển lời thăm hỏi của Người tới đồng bào và chiến sĩ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng miền Nam”. Nghe đến đây, chúng tôi không kìm được xúc động nên đều bật hô lên: “Hồ Chủ tịch muôn năm...”, Đại tá Đỗ Anh Tịnh (chiến sĩ Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa) nhớ lại. Theo Đại tá Đỗ Anh Tịnh, khi ấy Đại tướng đi theo giao thông hào khắp phòng tuyến, hỏi chuyện các chiến sĩ về tình hình ăn uống, sinh hoạt, cách đánh cũng như trang bị vũ khí của từng người...


Trong chuyến đi đó, Đại tướng đã đến Thành cổ Diên Khánh, gặp đồng chí Nguyễn Minh Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Khánh Hòa cùng với các đồng chí chỉ huy Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa để nắm tình hình. Ông cũng gặp những chiến sĩ cảm tử quân từng đánh địch ở Mả Vòng, ga xe lửa... Nhận thấy thực dân Pháp sẽ tăng viện lực lượng chuẩn bị mở cuộc tấn công mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo điều chỉnh sự bố trí lực lượng và thay đổi phương thức tác chiến theo hướng bảo toàn lực lượng để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Sau này, nhiều cựu binh mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đều rất xúc động và nói rằng nhờ có sự chỉ đạo sáng suốt của Đại tướng nên họ mới còn sống, chiến đấu đến ngày đất nước được thống nhất. “Nếu ngày ấy, chúng ta cứ bám lấy phòng tuyến để đối đầu với địch thì tổn thất sẽ nhiều vô kể. Anh em chúng tôi vẫn thường nhắc đến cái ơn của Đại tướng”, ông Đỗ Anh Tịnh từng chia sẻ.


Tầm nhìn biển đảo


Trong tập sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2005), Đại tướng đã dành 5 trang để đề cập về sự kiện giải phóng Trường Sa. Theo đó, khi ấy Đại tướng đã yêu cầu Bộ Tổng tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về tình hình biển, đảo để có ngay một kế hoạch giải phóng kịp thời đối với các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ ngoài Biển Đông, đồng thời chỉ thị cho Cục Quân báo nắm tình hình địch ở Biển Đông. Đại tướng quyết định, cần tổ chức giải phóng kịp thời phần đất này, nếu chậm để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây tình hình sẽ rất phức tạp. Tuy nhiên, lúc bấy giờ lực lượng hải quân của ta còn nhỏ bé, muốn đánh chiếm các đảo phải thực hiện theo phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.


Ngày 2-4-1975, Đại tướng đã chỉ thị cho tướng Lê Trọng Tấn truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân chuẩn bị tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Ngày 9-4-1975, Cục Quân báo phát hiện địch chuẩn bị rút quân khỏi các đảo ở Biển Đông, 4 ngày sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp điện cho đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo việc tiến đánh Trường Sa. Rạng sáng 14-4-1975, ta nổ súng tiến công, giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau đó, quân ta lần lượt giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... Đến ngày 29-4-1975, quân ta giải phóng toàn quần đảo Trường Sa. Việc giải phóng Trường Sa một cách thần tốc không chỉ chứng tỏ tài điều binh khiển tướng, sự nhạy bén của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn thể hiện tầm nhìn của ông về biển, đảo.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thử chơi đàn đá trong lần thăm Khánh Hòa năm 1994.  Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thử chơi đàn đá trong lần thăm Khánh Hòa năm 1994. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

 

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chú ý ngay đến việc phát triển kinh tế biển, đảo. Tại hội nghị về biển lần thứ nhất tổ chức ở Nha Trang năm 1977, Đại tướng đã nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển không chỉ là đánh bắt mà còn phải nuôi trồng nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, phát triển công nghiệp đóng tàu, đẩy mạnh giao thương trong nước và nước ngoài. Ngay từ lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt ra cho giới khoa học những vấn đề mang tính vượt thời gian như nghiên cứu sử dụng năng lượng thủy triều để sản xuất điện năng. Đặc biệt, trong chỉ đạo phát triển kinh tế biển, Đại tướng đã có những chỉ đạo chiến lược sâu sắc như đưa dân ra làm kinh tế biển, đảo vừa cải thiện đời sống của dân, vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, giữ vững chủ quyền biển, đảo…


Luôn nhớ đến Khánh Hòa


Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc về kỷ niệm đến thị sát Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, Đại tướng đã vào thăm lại xứ Trầm Hương. Lần ấy, Đại tướng đã viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thăm một số địa danh, khu vực chiến đấu những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

 

Năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, Đại tướng đã có thư gửi thăm. Trong thư, Đại tướng viết: “Những ngày chiến đấu vô cùng gay go nhưng rất đỗi hào hùng ấy đã để lại những hình ảnh tuyệt đẹp trong lịch sử kháng chiến của cả dân tộc. Đó là vinh dự, niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Nha Trang - Khánh Hòa...”. Năm 2003, Khánh Hòa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng cũng gửi thư chúc mừng.


XUÂN THÀNH