10:03, 03/03/2019

Tập trung Hoàn thiện lịch sử cách mạng địa phương

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương, đoàn thể về tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng hướng đến việc hoàn thiện lịch sử cách mạng của tất cả các địa phương trong tỉnh.

 

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương, đoàn thể về tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng hướng đến việc hoàn thiện lịch sử cách mạng của tất cả các địa phương trong tỉnh.


Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 101/137 xã, phường, thị trấn hoàn thành công tác biên soạn, xuất bản lịch sử cách mạng địa phương; có 13 xã, phường, thị trấn đã được Hội đồng tổ chức thẩm định bản thảo và đang trong quá trình chỉnh sửa. Trong đó, huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh là hai địa phương đã có 100% xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Hiện nay, còn 23 xã, phường, thị trấn trên địa bản tỉnh tiếp tục sưu tầm tư liệu, biên soạn lịch sử cách mạng địa phương mình.

 

Cuốn lịch sử cách mạng của một số địa phương đã được hoàn thành. (Ảnh minh họa)

Cuốn lịch sử cách mạng của một số địa phương đã được hoàn thành. (Ảnh minh họa)


Có thể thấy, sau 12 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn, công tác này đã có bước chuyển rõ rệt. Các cấp ủy đảng đã nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của công tác biên soạn, xuất bản lịch sử cách mạng địa phương. Các công trình lịch sử đã biên soạn, xuất bản đều đảm bảo yêu cầu về tính Đảng, tính khách quan, tính khoa học và chiến đấu, thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng bộ; đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo của từng địa phương, đơn vị. Mỗi cuốn lịch sử cách mạng địa phương đã dựng lại bức tranh chân thực, toàn diện, góp phần quan trọng trong việc tổng kết, đúc rút những bài học giá trị để định hướng cho tương lai.

 

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 05 diễn ra vào cuối năm 2018, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cấp ủy các xã, phường, thị trấn chưa hoàn thành viết lịch sử cách mạng địa phương phải tập trung biên soạn hoàn thành theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng hình thức phù hợp…

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị 05, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã mở các lớp bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở các huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo để giải quyết những khó khăn mà địa phương mình gặp phải. Chẳng hạn như huyện Cam Lâm đã chủ động mời các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ ở địa phương, giáo viên giảng dạy lịch sử có tâm huyết, hiểu biết về lịch sử đảng, lịch sử cách mạng địa phương cùng tham gia nghiên cứu, biên soạn. Hay như thị xã Ninh Hòa đã đưa nội dung kiểm tra việc biên soạn lịch sử vào chương trình kiểm tra hàng năm của cấp ủy, đưa kết quả biên soạn lịch sử cách mạng địa phương vào tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng hàng năm.


Ông Đoàn Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Ninh Hòa cho biết: “Thị ủy đã giao Ban Tuyên giáo chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện việc biên soạn, xuất bản lịch sử cách mạng địa phương, quán triệt đến các địa phương hiểu rõ đây là nhiệm vụ quan trọng trong các nhiệm vụ chính trị của từng cấp ủy đảng cơ sở. Việc tăng cường kiểm tra, theo dõi đã giúp chúng tôi nắm tình hình thực hiện tại địa phương, qua đó kịp thời ghi nhận những đề xuất, khó khăn tại cơ sở để từng bước tháo gỡ dần các vướng mắc trong quá trình thực hiện”.


Với hơn 26% xã, phường, thị trấn chưa hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử cách mạng địa phương, có thể thấy hiện nay là khoảng thời gian nước rút để khẩn trương thực hiện đúng kế hoạch. Vấn đề chung các địa phương này gặp phải dẫn đến việc chưa hoàn thành công tác biên soạn, xuất bản trước hết là do sự chỉ đạo của cấp ủy chưa tích cực, thường xuyên; đội ngũ nhân sự làm công tác sưu tầm, nghiên cứu năng lực hạn chế, số lượng ít nên chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đặt ra; một số địa phương chưa có sự chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan để thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn tư liệu và nhân chứng lịch sử của một số địa phương khá mỏng.


Giang Đình