10:11, 30/11/2018

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão

Ngày 30-11, tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thiệt hại do cơn bão số 8 và số 9 gây ra, ông  Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các ngành và địa phương cần khẩn trương khắc phục, sớm ổn định đời sống người dân.

 

Ngày 30-11, tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thiệt hại do cơn bão số 8 và số 9 gây ra, ông  Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các ngành và địa phương cần khẩn trương khắc phục, sớm ổn định đời sống người dân.


Nha Trang sẽ hỗ trợ dân tiền thuê nhà ở


Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, khoảng 300 người dân di dời từ khu vực sạt lở, nguy hiểm ở hai thôn Thành Phát và Thành Đạt (xã Phước Đồng) vẫn chưa trở về nhà. Thời gian tới, thành phố sẽ có phương án để khẩn trương ổn định cuộc sống người dân. Hiện nay, thành phố đang phát phiếu khảo sát đến từng hộ ở thôn Thành Phát, Thành Đạt và đường vòng núi Chụt ở phường Vĩnh Trường để kê khai về nhân thân, nhân khẩu, tình trạng gia đình… Sau đó, sẽ có phương án tổng thể báo cáo UBND tỉnh. “Hôm trước, thành phố đã họp bàn sơ bộ tìm quỹ đất tái định cư, sau đó bán cho những hộ này với giá ưu đãi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số lượng dân quá nhiều, hơn nữa giao đất xong không biết người dân có tiền xây nhà không, rồi có giữ được đất hay lại bán đi. Cũng có ý kiến cho rằng, nên bố trí chung cư, nhà ở xã hội cho các hộ này. Trước mắt, thành phố sẽ lên phương án hỗ trợ cho họ 3 - 6 tháng tiền thuê nhà ở chứ không thể ở mãi trong nhà văn hóa được”, ông Tuấn chia sẻ.

 

Về vấn đề này, ông Lê Đức Vinh yêu cầu UBND TP. Nha Trang phải khảo sát kỹ và sớm đề xuất phương án cụ thể để UBND tỉnh xem xét giải quyết. Trong khi chờ phương án, thành phố phải quản lý, không được cho người dân quay về khu vực còn nguy hiểm, có khả năng sạt lở; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

 

Mưa bão gây sạt lở nghiêm trọng tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng.

Mưa bão gây sạt lở nghiêm trọng tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng.

 

Phải giải quyết vấn đề thoát nước


Theo báo cáo từ các ngành và địa phương, cơn bão số 8 và số 9 vừa qua có lượng mưa rất lớn khiến nhiều khu vực bị ngập nặng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân do hệ thống thoát nước tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh rất yếu.


Tại Cụm công nghiệp Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương), mưa lớn làm nhiều nhà máy bị ngập sâu gần 1m, gây thiệt hại nặng nề. Ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Có nhà máy thiệt hại đến 40 tỷ đồng sau cơn bão số 8. Nguyên nhân là do cụm công nghiệp này thấp trũng so với Quốc lộ 1 và khu dân cư xung quanh. Hệ thống thoát nước tại đây không đảm bảo, các cống thoát nước quá nhỏ lại thưa thớt. Sở sẽ sớm khảo sát lại hệ thống thoát nước tại hai Cụm công nghiệp Đắc Lộc và Diên Phú để tìm giải pháp khắc phục. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì không có doanh nghiệp nào dám đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại tại đây nữa. Vì vậy, sở cũng sẽ có báo cáo kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ”.


Trong khi đó, dọc Quốc lộ 1 đi qua TP. Cam Ranh, do hệ thống dải phân cách quá dày, tạo thành bức tường chắn khiến nước không thể thoát khi mưa lớn. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Cứ mỗi lần mưa là quốc lộ ngập nặng, gây ách tắc giao thông. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, khi mưa lớn, phần quốc lộ và khu dân cư phía tây quốc lộ bị ngập nặng. Khi đơn vị quản lý đường bộ tháo dải phân cách ra, một lượng nước lớn đổ ào xuống khu dân cư phía đông quốc lộ, khiến người dân bức xúc.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, quý I/2019, Bộ Giao thông vận tải sẽ có giải pháp giải quyết bất cập về dải phân cách này. Tuy nhiên, vấn đề thoát nước ngang ở TP. Cam Ranh rất khó giải quyết kể cả khi tháo dải phân cách bởi khu dân cư ở hai bên đã dày đặc, khó thoát nước từ núi ra biển.


Kết luận cuộc họp, ông Lê Đức Vinh yêu cầu các địa phương rà soát mức độ thiệt hại để có kế hoạch khắc phục; đặc biệt là khẩn trương đánh giá thiệt hại về nhà ở để hỗ trợ theo đúng quy định mới ban hành. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải và các địa phương phải có báo cáo chi tiết đối với các công trình hư hỏng lớn; khảo sát và lập danh sách các công trình hư hỏng để phân loại đầu tư ngay và đầu tư lâu dài để đảm bảo đi lại, sản xuất.


VĂN KỲ