09:05, 13/05/2018

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021".

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021”. Công an tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện đề án. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, Đại tá Nguyễn Văn Ngàn - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết:

 


- Mục đích của đề án là nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của đề án. Tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho các đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của đề án; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, góp phần phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.


Triển khai thực hiện đề án, các cơ quan cần chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng; đảm bảo cung cấp thông tin pháp luật thường xuyên, liên tục trên diện rộng và cho cả trường hợp cá biệt. Đồng thời, xác định rõ nội dung công việc, phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện; đảm bảo việc triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn và có tính khả thi; thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong việc triển khai thực hiện đề án, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở là nòng cốt. Bởi lẽ cơ sở mới có thể sâu sát, quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để các đối tượng thuộc đề án yên tâm phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội và gia đình.


- Mục tiêu của đề án sẽ chú trọng những nội dung nào, thưa ông?


- Đó là, 100% đối tượng thuộc đề án được phổ biến và nắm được các quy định của pháp luật cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nói chung, của đối tượng nói riêng, các hành vi bị nghiêm cấm, tác hại, trách nhiệm, pháp lý khi vi phạm pháp luật và các quy định khác liên quan đến từng cá nhân đối tượng; phấn đấu 90% trở lên đối tượng là người bị áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn, người được đặc xá, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng được phổ biến giáo dục pháp luật, chuyên biệt theo quy định của pháp luật.


- Xin cảm ơn ông!


Thành Long (Thực hiện)