10:03, 02/03/2016

Những lưu ý trong việc ứng cử, nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Theo quy định, chậm nhất 70 ngày trước ngày diễn ra cuộc bầu cử, người ứng cử (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo quy định, chậm nhất 70 ngày trước ngày diễn ra cuộc bầu cử, người ứng cử (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Xung quanh vấn đề này, ông Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh cho biết:


Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.

 


Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử đại biểu HĐND theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, có nguyện vọng ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND cấp tỉnh); tại ủy ban bầu cử cấp huyện (nếu tự ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện); tại ủy ban bầu cử cấp xã (nếu tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã).


Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND ở một cấp. Như vậy, một người đủ điều kiện ứng cử có thể đồng thời nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND một cấp nữa.


- Những trường hợp nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, thưa ông?


- Theo quy định, những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND gồm có: người chưa đủ 21 tuổi; người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án tích; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.


- Xin ông cho biết hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND gồm những gì?


- Theo theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp gồm có: đơn ứng cử; sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; tiểu sử tóm tắt; 3 ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm; bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.


- Việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (mỗi người nộp 2 bộ hồ sơ). Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương mình.


Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì Hội đồng bầu cử quốc gia chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ủy ban bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.


Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND, người ứng cử đại biểu HĐND nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó. Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì ủy ban bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.


- Cụ thể về thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ ứng cử như thế nào? Đến nay, Khánh Hòa đã có bao nhiêu người nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, thưa ông?


- Về thời gian, chậm nhất là 17 giờ ngày 13-3-2016, người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND các cấp (cả với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải hoàn tất việc nộp hồ sơ ứng cử của mình.


Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND cấp tỉnh gửi về Ủy ban bầu cử tỉnh (Sở Nội vụ Khánh Hòa - Khu liên cơ I, số 1 Trần Phú, TP. Nha Trang, Khánh Hòa); hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện gửi về ủy ban bầu cử cấp huyện; hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã gửi về ủy ban bầu cử cấp xã.


Đến nay, Ủy ban bầu cử tỉnh đã tiếp nhận 1 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và 1 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.


- Xin cảm ơn ông!


HẢI LĂNG (Thực hiện)