11:02, 04/02/2011

Những "quả ngọt" từ hợp tác giữa Khánh Hòa và Morbihan

Hơn 10 năm trước, 6 em học sinh theo học chương trình song ngữ Việt - Pháp của Trường Trung học Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) đã được cấp học bổng sang học tập tại tỉnh Morbihan (Pháp). Lứa học sinh đầu tiên được sang Pháp học tập trong chương trình hợp tác giáo dục giữa 2 tỉnh Khánh Hòa - Morbihan...

Hơn 10 năm trước, 6 em học sinh theo học chương trình song ngữ Việt - Pháp của Trường Trung học Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) đã được cấp học bổng sang học tập tại tỉnh Morbihan (Pháp). Lứa học sinh đầu tiên được sang Pháp học tập trong chương trình hợp tác giáo dục giữa 2 tỉnh Khánh Hòa - Morbihan giờ đều đã trưởng thành và thành công trong cuộc sống. Sau này, ngoài một số học sinh được cấp học bổng, mỗi năm, nhiều em đã chọn du học bằng con đường tự túc. Ngoài kết quả hợp tác về giáo dục, Khánh Hòa và Morbihan còn hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, văn hóa và du lịch.

Ngồi trước tôi, Cao Thị Phương Liên giờ là cô chủ trẻ xinh xắn, thân thiện của quán cà phê Moka mới mở tại 74 Hùng Vương (Nha Trang). Thật khó để hình dung cô chủ quán hay cười, tự tin hôm nay là cô bé lớp trưởng nhút nhát, rụt rè ngày nào. Phương Liên là một trong 6 học sinh lứa đầu tiên của Trường Trung học Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) đã được sang tỉnh Morbihan (Pháp) học lớp 10 trong khuôn khổ chương trình hợp tác giáo dục giữa 2 tỉnh Khánh Hòa - Morbihan. Phương Liên cho biết, sự tự tin có được của ngày hôm nay nhờ phần lớn vào thời gian học tập bên Pháp.

Ông Lê Xuân Thân và Đoàn Hội đồng tỉnh Morbihan trong buổi gặp gỡ gần đây bàn thảo về những nội dung tiếp tục hợp tác giữa 2 tỉnh trong thời gian tới và các hoạt động của tỉnh Morbihan tại Festival Biển 2011.

Còn nguyên nét hồn nhiên của cô học trò nhỏ năm nào, Phương Liên kể cho tôi nghe những khó khăn của ngày đầu sang Pháp, những cái Tết xa quê, những chuyến cả nhóm tụ tập đi chơi xa vui vẻ. Liên kể: “Năm 1998, chúng em gồm 6 học sinh song ngữ lớp 9 được sang Pháp học. Lúc ấy, bọn em đều ngây thơ, khờ dại, chưa biết khổ là gì”. Đến nơi, mỗi em được đưa đến sống trong một gia đình khác nhau. Xa gia đình, người thân, những cô cậu học trò đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải học cách hòa nhập với những “gia đình” mới và nền văn hóa có nhiều nét khác biệt. Đó là thử thách lớn nhất đối với Phương Liên cũng như các bạn của cô. Hãy thẳng thắn nói ra những ý nghĩ của mình là bài học Liên tự rút ra cho mình để hòa nhập. Sau 1 năm học lớp 10, những người bạn về nước học tiếp phổ thông, Phương Liên ở lại Pháp theo đuổi con đường học tập. 11 năm ăn Tết ta ở trời Tây, tận năm nay, Phương Liên mới được đón Tết ở Việt Nam với đầy đủ không khí của Tết cổ truyền. Cuộc sống đòi hỏi sự tự lập cao cùng với những trải nghiệm, va vấp giúp Phương Liên và những người bạn của cô bản lĩnh, tự tin và trưởng thành hơn.

Tại Pháp, Phương Liên và chồng của mình là anh Phú Dũng đều làm trong lĩnh vực tài chính. Thu nhập của hai vợ chồng họ đều khá cao. Thế nhưng cả hai vợ chồng lại muốn về nước thử sức với đầy ắp ý tưởng kinh doanh. Và Moka chính là sự khởi đầu đẹp. Đây là quán cà phê kèm ăn nhẹ khá đặc biệt vì ở đây tất cả khách đều “nói không” với khói thuốc. Cà phê Moka có lối kiến trúc và bài trí khá Tây, trông khá sang trọng nhưng đồ ăn thức uống đều không đắt. Quán gồm 3 tầng, mỗi tầng là một không gian khác biệt nhưng đều ấm cúng và lãng mạn.

Cao Thị Phương Liên thuộc lứa học sinh ban đầu được sang Pháp học tập theo chương trình hợp tác giáo dục giữa Khánh Hòa và Morbihan giờ đã trở về Nha Trang lập nghiệp.

Những người bạn còn lại của Phương Liên sau khi trở về Việt Nam học hết phổ thông trung học cũng đều chọn con đường du học và hiện nay họ đều có vị trí nhất định ở nơi làm việc. Hoàng Thu Giang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng tại Paris, Pháp. Nguyễn Thị Nhật Trang hiện làm cho Big C Sài Gòn. Ngô Duy Khang làm việc cho FPT và thường xuyên sang Pháp công tác. Nguyễn Khoa Luật hiện làm bác sĩ tại Pháp.  Phan Minh Liêm chọn ngành công nghệ sinh học tại Mỹ.

Đó thực sự là những “quả ngọt” bắt nguồn từ sự hợp tác về giáo dục - đào tạo giữa 2 tỉnh. Trong lĩnh vực này, từ trước đến nay, hợp tác giữa 2 bên chủ yếu tập trung vào chương trình song ngữ Pháp - Việt. Hiện nay, toàn tỉnh có 48 lớp với hơn 1.360 học sinh các lớp song ngữ Pháp - Việt. Hàng năm, Hội đồng tỉnh Morbihan và Hội Mặt trời Pháp ngữ đã trao nhiều học bổng cho học sinh song ngữ cả 3 cấp.

Ngoài giáo dục, y tế, văn hóa và du lịch cũng ghi dấu sự hợp tác hiệu quả giữa 2 bên. Về y tế, trong 2 năm 2009 và 2010, thông qua Tổ chức L’Appel Lorient, Hội đồng tỉnh Morbihan đã tài trợ cho Khánh Hòa hơn 80 ngàn euro để thực hiện chương trình “Nước và sức khỏe” tại Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và Cam Lâm. Chương trình đã đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh cho 18 trạm y tế xã. Những công trình này đã đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt và vô khuẩn trong việc khám chữa bệnh tại trạm y tế tuyến cơ sở. Trong chương trình “Nước và sức khỏe”, Trạm Y tế xã Cam Hòa (Cam Lâm) được đầu tư gần 100 triệu đồng để xây mới bể lọc, bể chứa nước sạch, hố đốt rác. Chỉ chiếc giếng nhỏ nổi váng, anh Nguyễn Văn Nghĩa, Dược sĩ trung học Trạm Y tế Cam Hòa cho biết: Nước giếng tù nên dơ nhưng từ trước đến nay, cán bộ, nhân viên trạm vẫn dùng máy bơm hút lên lọc sơ qua chiếc bể nhỏ xíu để sử dụng. Mùa hè, giếng cạn, trạm vẫn phải mua nước về sử dụng dè xẻn. Sắp tới, chúng tôi sẽ không lo thiếu nước vì có giếng khoan đưa nước lên bể lọc và bể chứa lớn. Chương trình “Nước và sức khỏe” còn hỗ trợ tài chính cho 20 bà mẹ là người dân tộc thiểu số mang thai, nhiều trẻ em khuyết tật… Sắp tới, Hội đồng tỉnh Morbihan sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm Pháp đồng hành với chương trình để tiếp tục đầu tư thêm công trình nước sạch cho 17 trạm y tế thuộc các xã khó khăn của thị xã Ninh Hòa, các huyện Cam Lâm và Diên Khánh.

Trên lĩnh vực văn hóa - du lịch, Khánh Hòa và Morbihan đã phối hợp tổ chức Festival Biển và quảng bá du lịch 2 tỉnh. Qua những kỳ Festival Biển, tỉnh Morbihan đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa 2 nước như: Tổ chức triển lãm tranh, ảnh, các cuộc thi sáng tác hội họa, điêu khắc thu hút sự tham gia của nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh và nhà điêu khắc của Pháp và Việt Nam; chiếu phim, hội thi đầu bếp chuyên nghiệp, biểu diễn âm nhạc… Những hoạt động đó góp phần làm cho Festival Biển của Nha Trang - Khánh Hòa thêm sắc màu và hấp dẫn. Tại Festival Biển 2011 sắp tới, người dân Nha Trang - Khánh Hòa và du khách sẽ mong chờ những điều mới mẻ từ những người bạn Pháp.

T.L

Đánh giá cao ý nghĩ của việc hợp tác giáo dục giữa 2 tỉnh, tại cuộc gặp gần đây giữa lãnh đạo 2 tỉnh, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị tỉnh Morbihan tiếp tục bồi dưỡng trình độ giáo viên song ngữ Pháp - Việt, trao học bổng cho các học sinh song ngữ có hoàn cảnh khó khăn và đẩy mạnh hợp tác giữa các trường học. Đồng chí cũng mong muốn tỉnh Morbihan nối lại việc đưa học sinh Việt Nam sang Pháp học lớp 10 như những năm trước đây với tinh thần có sự hỗ trợ kinh phí của Khánh Hòa và bản thân gia đình các em học sinh. Tại buổi làm việc, ông Aimé Kergueris, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng tỉnh Morbihan thống nhất, trong thời gian tới, 2 bên sẽ tập trung vào việc trao đổi giáo viên giữa các trường. Hai bên cũng đã thống nhất việc Morbihan tạo điều kiện để các em học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp Trung học phổ thông sang Pháp học tiếp đại học.