01:02, 05/02/2011

Những chú gà đến từ Pháp

Ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu - Cam Lâm - Khánh Hòa (Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế) có một đàn gà “lạ”. Đây là đàn gà Pháp giống Gallus Domesticus duy nhất ở Việt Nam.

Ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu - Cam Lâm - Khánh Hòa (Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế) có một đàn gà “lạ”. Đây là đàn gà Pháp giống Gallus Domesticus duy nhất ở Việt Nam. Mới 1 ngày tuổi, những chú gà này đã bay hàng ngàn cây số từ nước Pháp xa xôi đến Việt Nam và “định cư” ở Suối Dầu. Ngày Xuân, câu chuyện về những chú gà cũng thật thú vị!

Tiến sĩ Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết, để phục vụ việc sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 dùng cho người, IVAC đã phải nhập hơn 3.000 con gà giống Gallus Domesticus từ Pháp về (mỗi con giá 5,5 euro) để lấy trứng sản xuất vắc xin. Đây là giống gà sạch (an toàn về mặt sinh học), siêu trứng, được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc (gà bố mẹ). 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng trại Chăn nuôi Suối Dầu (thuộc IVAC) cho biết, để đưa được đàn gà mới 1 ngày tuổi về Việt Nam, những người vận chuyển đã phải đóng hàng chục thùng cac tông, mỗi thùng đựng 200 chú gà bé xíu. Thấy chúng tôi ngạc nhiên tại sao không đợi gà lớn hơn một chút hãy di chuyển mà lại di chuyển lúc gà mới 1 ngày tuổi, lúc đó sức khỏe gà còn kém sợ khó có thể chịu được chặng đường dài? Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh giải thích, lúc gà mới 1 ngày tuổi chính là lúc vận chuyển dễ dàng nhất, bởi lúc đó gà mới nở, trong bụng vẫn còn lòng đỏ, có rất nhiều chất dinh dưỡng nên gà có thể không ăn trong một chặng đường dài. Nếu để gà lớn hơn, việc vận chuyển sẽ rất phức tạp bởi ở trên máy bay, việc cho hơn 3.000 con gà ăn, uống không phải là việc đơn giản. Về đến trang trại, gà lập tức được cho uống thuốc bổ và đưa vào úm cho đến khi đạt 8 - 10 tuần tuổi. Sau đó, gà được chuyển sang nhà nuôi gà đẻ.

Một góc nhà nuôi gà ở Suối Dầu

“Chăm gà như chăm… con”, đó là câu nói cửa miệng của các nhân viên tổ gà mỗi khi có người hỏi về việc chăm sóc gà. Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh kể, những ngày gà mới về trại, toàn bộ nhân viên tổ gà gồm 1 bác sĩ thú y, 1 kỹ sư chăn nuôi, 3 trung cấp thú y phải túc trực thường xuyên ở trại. Cơm nước được đưa vào tận nơi. Tuy nhà nuôi gà được thiết kế rất hiện đại (có hệ thống thức ăn, nước uống tự động, hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lấy và đếm trứng tự động), nhưng các nhân viên vẫn phải thường xuyên có mặt để kiểm tra thức ăn, nước uống, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, mỗi tuần phải thay trấu, cân gà xem có đủ trọng lượng hay không, lấy mẫu máu, phân… gửi đến Phân viện Thú y miền Trung để kiểm tra, giám sát sức khỏe đàn gà. Khi gà được 10 ngày tuổi, các nhân viên phải cắt bớt mỏ gà để chúng mổ nhau không gây chảy máu. Tuy nhiên, theo các nhân viên, “mệt” nhất vẫn là “thủ tục” vào nhà gà. Trước khi vào, mỗi người đều phải xịt thuốc khử trùng, sau đó phải khai lý lịch xem vào làm gì, ngày giờ vào, trước đó 1, 2 ngày có vào trang trại nào không, nếu có thì không được vào. Tiếp đó, mỗi người phải thay quần áo, tắm gội thật sạch rồi lại thay một bộ quần áo đã được hấp sấy để vào nhà… gà. “Quy trình này buộc mọi người phải tuân thủ hết sức chặt chẽ, vì đàn gà mấy nghìn con, lỡ có 1 con nhiễm bệnh là cả đàn lây bệnh rất nhanh. Lúc đó hậu quả sẽ rất nặng nề”, Thạc sĩ Minh giải thích. Không phải ngẫu nhiên mà ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu, mọi người vẫn đùa những người ở tổ gà là những người… tắm nhiều nhất, 1 ngày tắm 2, 3 lần là chuyện bình thường, bởi cứ mỗi lần ra ngoài khi vào họ lại phải… tắm.

Hiện nay, đàn gà ở Suối Dầu đã được 20 tuần tuổi và đang được kiểm soát bởi Cục Thú y, Cơ quan Thú y Vùng 4 và IVAC. Dự kiến sau 35 tuần tuổi mà đàn gà vẫn phát triển tốt thì IVAC và Cục Thú y sẽ làm văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin phép nuôi chính thức ở Việt Nam. Theo tính toán của IVAC, khi đến tuổi trưởng thành, dự kiến mỗi ngày đàn gà có thể đẻ từ 2.000 đến 2.500 quả trứng. Đây sẽ là nguồn cung dồi dào cho việc sản xuất vắc xin cúm ở Việt Nam.

KHÁNH QUỲNH

Phương pháp nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vắc xin cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 của IVAC là phương pháp có nhiều ưu điểm, được nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới áp dụng và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích, nhằm sản xuất vắc xin cúm an toàn dùng cho người trong thời gian ngắn với giá thành hạ. Đến thời điểm này, IVAC đã sản xuất thành công vắc xin cúm A/H5N1 và vắc xin cúm A/H1N1 trong phòng thí nghiệm và đang tiến hành các bước tiếp theo để các loại vắc xin này sớm đi vào cuộc sống.