Luyện vàng từ đất đá - chuyện “nằm mơ giữa ban ngày” ấy đang có thật ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Nhưng với một người có “thâm niên” hơn 20 năm, luyện ra vàng không phải nghề “hốt tiền”, mà chỉ mong đủ ăn, con cái học hành giỏi giang; tuy nhiên, đây cũng không phải nghề bạc với người hiền lương.
Luyện vàng từ đất đá - chuyện “nằm mơ giữa ban ngày” ấy đang có thật ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Nhưng với một người có “thâm niên” hơn 20 năm, luyện ra vàng không phải nghề “hốt tiền”, mà chỉ mong đủ ăn, con cái học hành giỏi giang; tuy nhiên, đây cũng không phải nghề bạc với người hiền lương.
° Biến đất thành vàng
Tại xưởng luyện kim, gia đình ông Cao Thanh Tùng đang hì hục luyện vàng. Hàng chục khối đất, đá thu gom được từ các mỏ vàng (xái vàng) ở Quảng Nam được cho vào máy xay nhuyễn, đưa qua các bể lắng ngâm nước. Chỉ vào các bể ngâm, ông Tùng cho biết: “Từ đất đá như thế này, để thành vàng phải chờ khoảng 12 - 15 ngày với nhiều công đoạn. Nghề này không khó, nhưng phải có kiến thức Hóa, Lý cơ bản mới làm được”.
Ông Tùng kể, những năm 80, gia đình ông ở Ninh Thọ (Ninh Hòa), cuộc sống rất khó khăn. Để vợ con bớt nheo nhóc, ông theo những người trong làng đi đãi vàng thuê ở khắp nơi như: Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên... Bãi vàng toàn ở những nơi “thâm sơn, cùng cốc”, cuộc sống phức tạp, hỗn độn, ông làm mãi cũng chỉ đủ ăn trong khi bệnh tật rình rập, tính mạng luôn bị đe dọa. Thế là ông đành từ bỏ nghề đãi vàng khi cảnh nhà vẫn đói. Đúng lúc túng đói thì ông được một người bạn bày cho nghề “bắt heo” (mót vàng bằng cách lau chùi sàn nhà, cống thải, vật dụng luyện vàng ở các tiệm kim hoàn rồi mang về hỏa luyện). Vậy nhưng “bắt heo” cũng không dễ: chi phí hỏa luyện cao, vất vả, người làm thì nhiều nhưng số tiệm vàng lại ít…
Cứ mỗi lần thất bại, ông Tùng lại tìm tài liệu để học thêm kiến thức luyện vàng. |
Theo ông Tùng, nếu có ít kiến thức về Lý, Hóa và biết cách “bắt heo” thì có thể luyện được xái vàng. Sau khi mua về, xái vàng được xay, trộn đều với các hóa chất, vôi, sô-đa, xút... rồi cho vào các hồ ngâm được xây bằng bể xi măng; sau đó tháo hết nước, cho kết tủa bằng kẽm. Làm nhiều lần như vậy sẽ thu được một hỗn hợp gồm các chất như: kẽm, barít sắt... với tỷ lệ vàng khoảng 50 - 80%. Sau đó, tiến hành phân kim bằng axít, hỏa luyện để tách ra vàng. Sau nửa tháng, kết quả thường được 1 - 2 chỉ vàng 96.
° “Bòn tro đãi sạn”
Tính ra, ông Tùng đã theo nghề luyện xái vàng được gần 20 năm. Trước đây, người ta còn bỏ xái vàng đi cho… rộng mỏ, nhưng bây giờ, xái vàng đã được các chủ mỏ bán lại, thậm chí, có doanh nghiệp còn đấu thầu. Người dân ở Vạn Giã đồn nhau: “Mỗi lần ông Tùng chở đá, đất về, thế nào cũng luyện ra vàng!”. Ông Tùng cũng thừa nhận, luyện thế nào cũng ra vàng, nhưng tính toán không kỹ là lỗ vốn, lỗ công, bởi đây là nghề “bòn tro đãi sạn”. Theo ông, mỗi m3 đất đá phải luyện được hơn 5 phân vàng, ít hơn là lỗ. Trong đời ông, lần luyện may mắn nhất là thu được 1,5 chỉ vàng trong 1m3 xái, còn thường thì được 1 chỉ. Mỗi tháng, ông làm chừng 2 hồ luyện. Mỗi năm, ông cũng thu được khoảng 3 - 4 cây vàng; trừ chi phí, phần lời chỉ đủ ăn.
Luyện xái vàng, đối với ông Tùng, quan trọng nhất là biết chọn xái. Bởi qua xái vàng biết tỷ lệ vàng. Để không lỗ, ông thường lấy chừng 15kg xái về làm thử, sau đó tính tỷ lệ. Tuy vậy, vẫn có lần ông bị lỗ nặng do tỷ lệ không đều. Gần đây, khi vàng liên tục tăng giá, nhiều người quay lại luyện xái vàng khiến xái vàng cũng tăng giá theo.
Đất đá luyện sắp thành vàng. |
° Đam mê
Người ta thường nói nghề luyện vàng là một nghề bạc... bẽo. Nhiều người theo nghiệp này đã sa vào cờ bạc, rượu chè, mại dâm và ma túy. Còn với ông Tùng, nghề luyện vàng như một thứ đam mê theo suốt đời. “Sung sướng nhất là khi chinh phục được một mẻ quặng khó, lẫn nhiều tạp chất, phải dùng nhiều phương pháp khác nhau mới tinh lọc được vàng. Lần tôi trúng nhiều nhất là năm 1992 với 12 cây vàng, đủ để mua xe, sửa nhà…” - ông kể. Bà Dương Hoàng Thu - vợ ông cũng chia sẻ: “Mỗi lần chồng tôi thất bại đều dựa vào trang trại chăn nuôi của gia đình để làm tiếp. Biết theo nghề là phiêu lưu, nhưng ông đã lỡ đam mê nên đành phải gắng. Mỗi lần thất bại, ông lại cắm cúi đi mua sách về đọc, ghi chép rồi thức cả đêm tính toán”.
Ông Tùng cũng đã truyền dạy nghề luyện xái vàng cho nhiều người khắp trong Nam, ngoài Bắc. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, ông nghiệm ra một điều, nghề vàng không bạc với những người sống hiền lương. Ông tâm sự: “Tôi làm nghề này, cơm cũ đổi cơm mới, nuôi con cái học hành để sau này chúng không làm nghề vất vả như bố. Con cái mà làm nghề này thì thế nào chẳng vào các mỏ. Ở đó, tệ nạn nhiều lắm. Ba nó làm vàng cả đời mà cứ “lên voi, xuống chó”, có khá được đâu. Đời chúng nó, nhất định phải học để khá hơn mình”. Cũng vì thế, ông nhất quyết không cho con nối nghiệp mình. Hiện nay, hai con đầu của ông là học viên Trường Sỹ quan Thông tin, hai người con sau cũng học rất tốt. Đó là hạnh phúc nhất của đời ông.
MINH THIẾT