Chúng tôi lên miền cao Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vào một chiều cuối năm, khi không khí mùa Xuân đang len lỏi vào từng xóm, từng nhà. Người dân đang tập trung dọn dẹp và trang hoàng lại nhà cửa.
° “Say” trong điệu then
Chúng tôi lên miền cao Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vào một chiều cuối năm, khi không khí mùa Xuân đang len lỏi vào từng xóm, từng nhà. Người dân đang tập trung dọn dẹp và trang hoàng lại nhà cửa. Đang mải ngắm cảnh yên bình của núi rừng, trộm nhìn những thiếu nữ miền sơn cước, bất chợt chúng tôi bị cuốn hút bởi điệu then của một phụ nữ người Tày. Tiếng hát then réo rắt, dập dìu như dắt người nghe về với vùng Việt Bắc, Cao Bằng, với hang Pắc Bó - nơi từng là chiến khu xưa, Bác Hồ đã sống và làm việc: “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Kia núi Lê-nin, đây núi Mác/Hai vai gây dựng một sơn hà”…
Hỏi thăm mới biết, tiếng hát đó là của chị Hà Thị Dinh, quê Bắc Kạn. Gia đình chị tới xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) lập nghiệp từ năm 1989. Dù xa quê đã lâu, song chị Dinh, cũng như nhiều người con xứ Cao - Bắc - Lạng, vẫn giữ trọn nét văn hóa của quê mình nơi vùng đất mới. Ngày Xuân, họ vẫn mặc trang phục dân tộc truyền thống, vẫn đàn tính, hát then, hòa cùng cộng đồng các dân tộc khác ở huyện Khánh Vĩnh. Khi chúng tôi bày tỏ mong muốn được nghe một điệu then về mùa Xuân của quê chị, trong ánh mắt của người phụ nữ Tày, thấy phảng phất chút thẹn thùng, e ấp của người phụ nữ miền núi phía Bắc. Nhưng rồi, chị cũng cất tiếng hát bài then “Bản em đón Xuân” của cố nghệ nhân Hà Phan bằng cả tiếng Tày và Kinh:
“... ới la, bản noọng tón vằn xuân mùa mấu/Vui đảy mùa bắp khẩu têm sang”…
“Bản em đón ngày xuân mùa mới/Vui được mùa ngô lúa đầy sàn”…
Tuy đã bước qua thời son trẻ nhưng giọng hát của chị Dinh vẫn còn vang, ấm, say đắm lòng người... Nghe chị hát, chúng tôi như phiêu diêu tới vùng núi Tây Bắc, nơi có những dải mây vắt ngang đỉnh núi cao vời, mỗi khi bình minh lại ánh lên muôn sắc. Đâu đây, như thấy tiếng cười trong vắt bay bổng cùng những dải tua màu của quả còn trong hội Xuân. Những nhịp xòe rộn ràng bên ánh lửa, những tấm lưng thon thả, những bình rượu cần thơm lừng mời gọi… Chúng tôi như bị bao vây trong bộn bề cảm xúc...
° Nét văn hóa Việt Bắc
Ở xã Khánh Trung, Khánh Bình, Khánh Hiệp… cũng có khá nhiều hộ gia đình Tày - Nùng khác. Được biết, cứ mỗi độ Xuân về, đồng bào Tày - Nùng lại ném còn, hát then, tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Dù chung sống với nhiều dân tộc anh em khác, song những cư dân Việt Bắc xưa vẫn giữ nguyên cốt cách, văn hóa của những người con “Thủ đô cách mạng”. Trên con đường “Nam tiến”, họ đã mang theo trọn tinh hoa cố hương và hòa nhập vào vùng quê mới.
Bên bếp lửa hồng, chúng tôi được nghe kể biết bao câu chuyện về cuộc sống của đồng bào Tày - Nùng xưa và nay, kể cả về tinh thần cách mạng của những người con của núi rừng Việt Bắc. Nói về phong tục ngày Tết của người Tày ở Khánh Vĩnh, bà Hứa Thị Hiệp (xã Khánh Nam) tâm sự: Khác với người Kinh, hàng năm, cứ đến 30 Tết, người Tày lại làm lễ tiễn đưa Táo Quân lên trời để báo cáo công việc một năm dưới trần gian. Đến sáng mùng 3 Tết mới làm lễ đón Táo Quân từ trời trở về… Thổ Công đối với người Tày là vị thần bảo vệ mùa màng, buôn làng. Hàng năm, người Tày cúng Thổ Công vào dịp Tết Nguyên đán và những ngày lễ khác trong năm hoặc khi có các công việc hệ trọng của buôn làng. Với người Tày, Tết Nguyên đán cũng là Tết lớn nhất trong năm. Người ta thường trang hoàng bàn thờ bằng giấy đỏ. Ngày 30 Tết, người Tày cất tất cả những dụng cụ sản xuất và đồ dùng trong nhà như dao, rựa, cày, bừa… vào một nơi rồi làm lễ cúng cho chúng được nghỉ ngơi, ăn Tết. Theo người Tày, những vật dụng đó đã gắn bó và theo người dân lao động suốt một năm vất vả nên chúng cần được nghỉ ngơi. Ngoài Tết Nguyên đán, người Tày còn có Tết riêng của mình, thường tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch.
Cuộc sống của những cư dân Việt Bắc trên vùng đất mới đã ngày một đổi khác. Đời sống kinh tế, văn hóa phát triển hơn nhiều so với những ngày xa xưa, khi họ còn ở rẻo cao phía Bắc. Nhà nào cũng có xe máy, ti vi; con cái được đến trường, được học hành đến nơi đến chốn. Đã có khá nhiều các con em của đồng bào Tày - Nùng đậu đại học. Nhưng cũng giống như người Tày, người Nùng ở Khánh Vĩnh vẫn luôn thể hiện được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người Nùng ăn Tết không cầu kỳ, tốn kém nhưng lại chu tất và trịnh trọng. Bà Nông Thị Mai, người dân tộc Nùng ở xã Khánh Hiệp cho biết, gà trống thiến là thứ không thể thiếu được trong lễ Tết của người Nùng. Nhà ít thì 1 - 2 con, nhà nhiều thì 5 - 6 con… Từ đầu tháng Chạp, đàn ông ở các gia đình đã chuẩn bị những chiếc lồng to để nuôi nhốt gà cồ thiến và vỗ cho chúng thật béo để ăn Tết. Với người Nùng, những ngày Tết không chỉ thể hiện tình cảm giữa con người mà còn giáo dục cho con cháu biết bản sắc của dân tộc mình...
Những câu chuyện của đồng bào Tày - Nùng đã dẫn dắt chúng tôi đến nhiều góc riêng của văn hóa vùng Việt Bắc. Những tên đất, tên người, những lịch sử và huyền thoại, cùng bao câu chuyện kể bên bếp lửa đã gợi cho chúng tôi hình dung về một Việt Bắc xa xôi. Để rồi chợt nhận ra, ngay giữa miền cao Khánh Vĩnh Xuân này, cũng có một Việt Bắc tươi đẹp, trong sáng vô cùng!
LAM ĐIỀN - BÍCH LA