Liên tục từ năm 2000 đến nay, giới y học Việt Nam đã quen thuộc với hình ảnh một vị giáo sư Việt kiều thường xuyên là cố vấn kỹ thuật, khách mời danh dự của những cuộc hội thảo về tim mạch; cũng là người tâm huyết chuyển giao tất cả những kỹ thuật mổ tim tiên tiến nhất trên thế giới về Việt Nam. Ông là Giáo sư - Tiến sĩ Lê Trọng Phi, Phó Giám đốc Viện tim bẩm sinh (Đại học Hamburg, Đức), một người con của quê hương Ninh Đa, Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Liên tục từ năm 2000 đến nay, giới y học Việt Nam đã quen thuộc với hình ảnh một vị giáo sư Việt kiều thường xuyên là cố vấn kỹ thuật, khách mời danh dự của những cuộc hội thảo về tim mạch; cũng là người tâm huyết chuyển giao tất cả những kỹ thuật mổ tim tiên tiến nhất trên thế giới về Việt Nam. Ông là Giáo sư - Tiến sĩ Lê Trọng Phi, Phó Giám đốc Viện tim bẩm sinh (Đại học Hamburg, Đức), một người con của quê hương Ninh Đa, Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Giáo sư Lê Trọng Phi (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp ở đơn vị Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. |
Sinh năm 1957 tại Sài Gòn, năm 1973 theo gia đình sang định cư tại Đức, những năm qua, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Trọng Phi đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển giao kỹ thuật mổ tim tiên tiến trên thế giới về Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng. Ông cũng là người đam mê nghiên cứu khoa học với nhiều công trình khoa học có giá trị, trong đó nổi bật là việc điều trị tim bẩm sinh bằng cách đặt lò xo để đóng lỗ hở thông liên thất hoặc còn ống động mạch. Tuy được nhiều bệnh viện lớn ở các nước phát triển trên thế giới “trải thảm đỏ” mời về công tác, nhưng Giáo sư Lê Trọng Phi đều từ chối. Ông dành thời gian về Việt Nam, tâm huyết với việc dùng kiến thức, tay nghề của mình truyền đạt lại cho các bác sĩ trong nước với mong muốn Việt Nam sớm áp dụng thành công những kỹ thuật mổ tim tiên tiến trên thế giới.
. Một trái tim giúp nhiều trái tim
Giáo sư Lê Trọng Phi (bìa trái) cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh can thiệp tim cho bệnh nhân |
Một sáng tháng 9-2010, tại đơn vị Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân Nguyễn Thị Trang Yến, 19 tuổi ở xã Vĩnh Ngọc (Nha Trang) xúc động nắm tay vị Giáo sư, không nói nên lời. Trước đó khoảng 30 phút, Yến đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh (dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Lê Trọng Phi và các bác sĩ Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP. Hồ Chí Minh) tiến hành can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ. Đây là một kỹ thuật khó trong can thiệp tim bẩm sinh. Nhưng kể từ đây, Yến đã có thể sống cuộc sống của một người bình thường, bỏ lại đằng sau những cơn đau tim, những lần khó thở, ngất xỉu… suốt 19 năm qua. Điều đáng nói, trong tim Yến giờ đây còn có một dụng cụ dùng để bít lỗ thông liên nhĩ do một tổ chức quốc tế (thông qua Giáo sư Phi) tài trợ trị giá hàng chục triệu đồng. “Đây là món quà vô giá đối với em. Nếu không có các bác sĩ, không có Giáo sư Phi tài trợ dụng cụ, em đã không có ngày hôm nay vì gia đình em rất nghèo, đã nhiều năm biết em bị bệnh nhưng không có tiền để mổ”, Yến tâm sự. Được biết, sáng hôm đó cùng với Yến còn có 3 bệnh nhi khác từ 21 tháng tuổi đến 11 tuổi ở Diên Khánh, Nha Trang được can thiệp tim bít còn ống động mạch. Trong quá trình các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành thủ thuật cho bệnh nhân, Giáo sư Phi luôn cận kề, tận tình hướng dẫn, chỉ bảo để các đồng nghiệp của mình làm tốt hơn.
Giáo sư Lê Trọng Phi trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Tuy công việc ở Đức rất bận rộn, nhưng mỗi khi có điều kiện, Giáo sư Lê Trọng Phi đều tranh thủ về Việt Nam. Ông đã đi khắp đất nước, làm việc với nhiều Bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Rạch Giá, Kiên Giang, Khánh Hòa… Và đặc biệt, ông đã giúp kêu gọi tài trợ xây dựng một viện tim ngay tại Bệnh viện Đà Nẵng với kinh phí hơn 1 triệu USD. Giáo sư Phi kể, trong một lần tình cờ dự một hội nghị y học lớn ở Việt Nam, ông biết được ở Việt Nam có rất nhiều trẻ em bị bệnh tim giai đoạn nguy cấp nhưng chưa được chữa trị do kỹ thuật trong nước chưa cao, mà ra nước ngoài thì không có tiền. Bằng nhiều cách, ông đã vận động nhiều nguồn tài trợ từ các nơi để đưa các em sang Đức điều trị; còn ông mỗi khi về Việt Nam đều cố gắng tham gia mổ thật nhiều ca bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, được một thời gian ông nhận ra rằng, có quá nhiều trẻ em Việt Nam lâm vào hoàn cảnh tương tự, phải có cách giúp đỡ khác thiết thực hơn. Và ông đã lên một kế hoạch để bảo vệ trước các tổ chức từ thiện, thuyết phục Hội từ thiện Trái tim vì trái tim (Đức) đến Việt Nam thực hiện một dự án có tính chất lâu dài: hỗ trợ xây dựng BV Đà Nẵng thành một viện tim mạch lớn, kỹ thuật cao, tạo điều kiện cho trẻ em bị bệnh tim, hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung có cơ hội sống. Ông đồng thời cũng là thành viên ban sáng lập dự án này.
. Chiếc lò xo đặc biệt
Với Giáo sư Phi, nghiên cứu khoa học dường như là niềm vui, sự đam mê của ông. Chiếc lò xo uốn bằng kim loại Nitinol - từ hỗn hợp Nickel Titanium, theo ví von của Giáo sư là “Chiếc lò xo có tính năng như cây tre Việt Nam, mềm dẻo nhưng rất bền bỉ”. Giáo sư Phi giải thích, bằng việc luồn ống thông qua tĩnh mạch sẽ đưa lò xo đến nơi tổn thương (lỗ thông liên thất, còn ống động mạch), chiếc lò xo sẽ “bung” thành dạng “dù”, biến dạng tùy theo giải phẫu, bít các lỗ hở lại. Điều đặc biệt của phương pháp này là phẫu thuật nhẹ nhàng, thời gian thông tim can thiệp - đặt lò xo khoảng 1 tiếng đồng hồ, trong khi những ca mổ tim hở phải kéo dài nửa ngày. Không có biến chứng, không phải mang sẹo xấu vì phẫu thuật theo dạng mổ kín, bệnh nhân chỉ cần nằm viện vài ba ngày, đó là những ưu thế hàng đầu của kỹ thuật phẫu thuật tim tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Những năm qua, nghiên cứu này đã được áp dụng điều trị cho một số bệnh nhân có chỉ định tại Đức, Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, Việt Nam… và chưa xảy ra biến chứng nào, những bệnh nhân được điều trị đều hoàn toàn khỏe mạnh.
Được biết, nghiên cứu của Giáo sư Phi hiện đã được ngành y học thế giới công nhận và áp dụng rộng rãi. Còn ông, vị Giáo sư tận tụy với nghề vẫn miệt mài với những kế hoạch của riêng mình. Trong đó, ông tâm đắc nhất là dự án dùng vòng xiết động mạch phổi để điều trị chống chai mạch phổi trong nhiều bệnh lý tim bẩm sinh. Ông tâm sự: “Chỉ khi nào các bác sĩ Việt Nam không cần đến sự hỗ trợ của tôi, lúc ấy tôi mới thật sự thành công”
NGỌC KHÁNH
Khi tôi hỏi, động lực nào khiến ông nỗ lực giúp quê hương như vậy, ông không trả lời mà kể một câu chuyện giản dị: “Có một cục đá nằm trên đường, gây khó khăn cho giao thông. Trong số những người đi đường, sẽ có người thản nhiên đi qua coi như không thấy cục đá, nhưng sẽ có người cúi xuống nhặt cục đá bỏ vào vệ đường để mọi người đi lại dễ dàng. Tôi là một người như vậy. Giúp quê hương với tôi không phải là điều gì to tát, ghê gớm, ngược lại nó như một phản xạ, một việc làm tất yếu của một con người”.