10:04, 26/04/2020

Sàng lọc tiền hôn nhân, tránh bệnh tan máu bẩm sinh

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Khánh Hòa về việc chuẩn bị cho ngày Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thế giới 8-5, ông Phan Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số tỉnh) cho biết:

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Khánh Hòa về việc chuẩn bị cho ngày Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thế giới 8-5, ông Phan Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số tỉnh) cho biết:

 


- Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời. Nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ làm người bệnh chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động... Vì vậy, việc thực hiện các xét nghiệm tiền hôn nhân là vô cùng cần thiết và sàng lọc để không để ảnh hưởng xấu về di truyền và sự phát triển của giống nòi nếu cặp vợ chồng trẻ.


- Ngày Thalassemia năm 2020 có chủ đề gì và cách thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Chủ đề ngày Thalassemia năm 2020 là “Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai nòi giống”. Việc thực hiện chủ yếu là tư vấn và tầm soát trước sinh và sơ sinh. Qua thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai, tốt nhất là 3 tháng đầu, có thể phát hiện sớm các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền như: mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, các bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi (hội chứng Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh…). Ngoài ra, tầm soát sơ sinh còn có thể phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh...


- Thưa ông, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phương thức thực hiện các hoạt động hưởng ứng ngày Thalassemia sẽ xoay quanh những nội dung nào?


- Trên cơ sở những nội dung truyền thông được cung cấp về bệnh tan máu bẩm sinh nói riêng cũng như tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh nói chung, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương sẽ chủ động nâng cao hiệu quả việc sản xuất các sản phẩm tuyên truyền để phục vụ truyền thông và cung cấp cho các nhóm đối tượng. Chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp với các nhóm dân số đặc thù, khó tiếp cận ở các vùng khó khăn; tăng cường cung cấp trang thiết bị truyền thông cho các trung tâm y tế, trạm y tế, điểm tư vấn thuộc hệ thống dân số, ưu tiên các trang thiết bị, dụng cụ truyền thông phù hợp cho xã nghèo, xã ở vùng sâu, vùng xa.


Ngoài ra, chi cục sẽ hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin như: tư vấn qua Internet, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác; tăng cường truyền thông trên các trang tin có nhiều người truy cập, các trang tin mà vị thành niên, thanh niên, nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ưa thích và quan tâm; tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm trên truyền hình, đài phát thanh với sự tham gia của các nhà quản lý và các chuyên gia; thường xuyên cập nhật và đưa tin các thông tin trên đài phát thanh của huyện, xã, phường, thị trấn, lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác.


- Xin cảm ơn ông!


THANH TRÚC (Thực hiện)