12:08, 06/08/2019

Những lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ

Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đều khuyến nghị trong 6 tháng đầu đời, chỉ cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ. Từ tháng thứ 7, mới cho trẻ ăn bổ sung. Các bà mẹ nên cho trẻ bú kéo dài tới 24 tháng hoặc lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng tuổi.

Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đều khuyến nghị trong 6 tháng đầu đời, chỉ cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ. Từ tháng thứ 7, mới cho trẻ ăn bổ sung. Các bà mẹ nên cho trẻ bú kéo dài tới 24 tháng hoặc lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng tuổi.


Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất vì trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng. Sữa mẹ có số lượng protein (đạm) ít hơn sữa động vật nên rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành. Bên cạnh đó, protein trong sữa mẹ chủ yếu là protein dạng lỏng hòa tan, còn gọi là protein sữa nên phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Protein sữa chứa các protein kháng khuẩn giúp trẻ có khả năng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trong khi đó, protein ở sữa bò chủ yếu là casein (85%) nên khi vào dạ dày của trẻ nhỏ sẽ tạo thành các cục đông vón làm trẻ khó tiêu hóa và hấp thu, trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa. Lipid (chất béo) trong sữa mẹ chiếm 50% năng lượng, thành phần acid béo không no nhiều hơn acid béo no. Sữa mẹ có đủ các acid béo cần thiết, giúp cho quá trình hoàn thiện não bộ, võng mạc và làm vững bền mạch máu. Trong sữa động vật không có các acid béo này. Glucid và đường trong sữa mẹ nhiều hơn sữa bò, 85% là lactose tăng cường hấp thu canxi và 15% là oligosaccharid hỗ trợ cho sự phát triển vi khuẩn có lợi cho trẻ. Sữa mẹ có đủ các vitamin (A, B1, B2, C...), khoáng chất (Canxi, phospho...) và các nguyên tố vi lượng (sắt, kẽm, đồng, selen...) đáp ứng đủ nhu cầu trẻ nhỏ, giúp trẻ phòng, chống thiếu vi chất và bảo vệ cơ thể chống quá trình oxy hóa.

 

Cán bộ y tế hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ.

Cán bộ y tế hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ.


Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh nhiễm khuẩn, trẻ ít mắc bệnh hơn. Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, chàm, eczema. Sữa mẹ chứa các tế bào bạch cầu, globulin miễn dịch, một số yếu tố kích thích sự phát triển của vi khuẩn lactobacillus bifidus, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn như: tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm tai, viêm màng não và nhiễm khuẩn tiết niệu. Sữa mẹ cũng chứa những kháng thể chống các bệnh nhiễm khuẩn mà bà mẹ từng mắc. Các kháng thể này được tiết vào sữa để bảo vệ trẻ chống nhiễm khuẩn. Vì vậy, khi mẹ bị bệnh nhiễm khuẩn thì vẫn có thể cho con bú, không nên cách ly mẹ và con.


Khi cho con bú mẹ thường xuyên tiếp xúc, gần gũi con sẽ giúp gắn bó tình cảm mẹ và con. Bà mẹ cảm thấy thoải mái tinh thần, yên tâm và giảm được sự lo âu, trầm cảm sau sinh. Trẻ được tiếp xúc gần gũi mẹ, được âu yếm sẽ ít khóc, cảm giác an toàn, tinh thần, trí tuệ trẻ phát triển tốt hơn. Ngoài ra, cho con bú thường xuyên giúp quá trình phục hồi nhanh cho mẹ. Mẹ giảm nguy cơ băng huyết, thiếu máu sau sinh; ung thư vú, buồng trứng, tử cung; chậm có thai trở lại; hồi phục nhanh cân nặng, vóc dáng ban đầu.


Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần phải đun nấu, dụng cụ pha chế, không mất tiền mua. Sữa mẹ có các hormone leptin, ghrelin, IGF-1 tham gia điều chỉnh ăn uống và cân bằng năng lượng sẽ bảo vệ trẻ không tăng cân quá mức (thừa cân, béo phì) nhất là trong hai năm đầu đời và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành (đái tháo đường, tim mạch, huyết áp...).


Theo bác sĩ Lê Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, khi nuôi con bằng sữa mẹ thường gặp tình trạng cương tức sữa, vú căng sữa, sờ thấy nóng, đau... Trong trường hợp này, bà mẹ cần cho trẻ bú thường xuyên hơn. Trước khi cho trẻ bú, xoa bóp nhẹ cổ và lưng, chườm nóng xung quanh vú, núm vú để tạo phản xạ tiết sữa; vắt bớt một ít sữa giúp trẻ ngậm bắt vú dễ dàng hơn; đồng thời sữa vắt ra có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để cho trẻ ăn sau này. Nếu trẻ không bú được, mẹ hãy vắt sữa và cho trẻ ăn bằng cốc, muỗng. Mẹ có thể bị tắc tia sữa ở một hoặc cả hai bên vú với biểu hiện vú có cục nhưng không nóng, không đỏ. Trong trường hợp này, bà mẹ cần đặt khăn nóng và ẩm lên 2 vú trong 5 - 10 phút trước mỗi bữa bú; xoa nhẹ bên vú bị tắc tia sữa, tay xoa chuyển từ phần ngoài qua phần có tia sữa tắc và hướng về núm vú. Cho trẻ bú bên có tia sữa tắc trước và bú lâu hơn.


Trong trường hợp đau và nứt núm vú, bà mẹ cần tiếp tục cho trẻ bú, bắt đầu từ bên vú ít đau hơn. Chỉ rửa vú mỗi ngày một lần, không dùng xà phòng. Xoa một ít sữa lên núm vú sau mỗi bữa bú. Nếu đau nhiều thì vắt sữa cho trẻ ăn bằng cốc hoặc thìa; đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không tự ý dùng thuốc bôi lên vú nếu không có chỉ định của cán bộ y tế. Đối với viêm vú (bầu vú sưng cứng, đau, da đỏ từng mảng, sốt), mẹ cần nghỉ ngơi, đắp gạc ấm lên vú. Không nên cho trẻ bú, đồng thời vắt hoặc hút sữa này bỏ đi. Sau 24 giờ, nếu không giảm đau, mẹ nên đến cơ sở y tế khám và điều trị.


Bảo Trâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)