Ngày 29-11, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức nghiệm thu Đề tài "Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay mạn tính". Đề tài do bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cộng sự thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018.
Ngày 29-11, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức nghiệm thu Đề tài “Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay mạn tính”. Đề tài do bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cộng sự thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018.
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá đề tài đã đạt được các mục tiêu đề ra như: hiệu quả điều trị của PRP trong điều trị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay mạn tính; đánh giá tính an toàn của PRP. PRP đã chứng tỏ tính hiệu quả và an toàn trong nghiên cứu và điều trị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tỷ lệ cải thiện triệu chứng đau đạt 81,8% và cải thiện chức năng vận động 78,7% sau 6 tháng điều trị; đồng thời không có biến chứng trầm trọng nào được ghi nhận. PRP cũng được ứng dụng mở rộng trong các điều trị bệnh lý khác của hệ cơ xương. Nghiên cứu này đã đưa ra một phương pháp điều trị mới tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong điều trị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay mạn tính.
Đề tài được Hội đồng xếp loại đạt và đề nghị chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa lại một số nội dung theo yêu cầu.
Được biết, trong quá trình thực hiện đề tài, các tác giả đã nghiên cứu can thiệp lâm sàng trên 50 bệnh nhân. Đây là những bệnh nhân bị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay kéo dài trên 3 tháng không đáp ứng với các điều trị như: nghỉ ngơi, mang nẹp, vật lý trị liệu, thuốc kháng viêm không steroid, tiêm corticosteroids tại chỗ…
CẨM VÂN