02:11, 30/11/2018

Phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

Để chủ động ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ, các cơ sở y tế phối hợp với ban, ngành, đoàn thể liên quan đã và đang ra quân khử khuẩn các giếng nước bị ngập; diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền cách phòng ngừa dịch bệnh cho người dân…

Để chủ động ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ, các cơ sở y tế phối hợp với ban, ngành, đoàn thể liên quan đã và đang ra quân khử khuẩn các giếng nước bị ngập; diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền cách phòng ngừa dịch bệnh cho người dân…


Những ngày này, nhân viên các trạm y tế ở huyện Cam Lâm, Diên Khánh tiến hành cấp phát Cloramin B cho những hộ gia đình có giếng nước bị ngập để khử khuẩn.

 

Phát tờ rơi hướng dẫn người dân phòng bệnh sau mưa lũ ở xã Cam Tân
Phát tờ rơi hướng dẫn người dân phòng bệnh sau mưa lũ ở xã Cam Tân


 Y sĩ Bùi Văn Dung - phụ trách mảng nước sạch, vệ sinh môi trường Trạm Y tế xã Cam Tân, huyện Cam Lâm cho hay, toàn xã có gần 2.500 hộ, đợt mưa lũ vừa qua khoảng 40% hộ bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 200 giếng nước bị ngập. Ngay sau khi nước lũ rút, trạm phối hợp với y tế thôn bản và các phó, trưởng thôn đi khử khuẩn các giếng nước, cấp phát Cloramin B hướng dẫn người dân tự thực hiện tại nhà. Đồng thời, thông báo trên loa truyền thanh hướng dẫn các hộ có giếng nước bị ngập tới trạm y tế để nhận hóa chất khử khuẩn. Đến nay, trạm đã cấp phát 10kg Cloramin B, tiếp tục nhận thêm 5kg từ Trung tâm Y tế huyện. Tại trạm đang dự trữ 6 cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh. Sau 2 đợt mưa lũ, từ ngày 18-11 đến nay, có khoảng 10 ca bị tiêu chảy  đến trạm y tế để điều trị, tăng gấp 3 lần so với những ngày trước đó. Hầu hết các ca bị nhẹ, đều được điều trị khỏi.

 

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giám sát nguồn nước máy ở Nhà máy nước Võ Cạnh
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giám sát nguồn nước máy ở Nhà máy nước Võ Cạnh


Chị Nguyễn Thị Trúc Hân (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân) chia sẻ: “Trước đợt mưa lũ, nhân viên trạm y tế đã cấp phát Cloramin B cho gia đình và hướng dẫn cách phòng bệnh. Sau khi nước rút, gia đình theo hướng dẫn của trạm y tế đã khử khuẩn và chỉ dùng nước giếng cho sinh hoạt, riêng nước nấu ăn và uống thì gia đình mua các bình nước sạch về dùng”.

 

Cán bộ y tế xử lý giếng nước cho người dân ở xã Diên An, huyện Diên Khánh
Cán bộ y tế xử lý giếng nước cho người dân ở xã Diên An, huyện Diên Khánh

 

Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế từ nay đến cuối năm chủ động các phương án bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế và các trang thiết bị tại vùng có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất y tế phòng, chống lụt bão để triển khai các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, các nguồn nước uống, vệ sinh an toàn thực phẩm có thể phát sinh trong và sau mùa mưa lũ. Các bệnh viện tổ chức thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị các bệnh nhân bị ảnh hưởng của mưa lũ. Các trung tâm y tế chuẩn bị các đội cơ động sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có lệnh điều động...

Tại xã Diên An (huyện Diên Khánh) cũng có hàng trăm giếng nước bị ngập. Theo nhân viên phụ trách mảng nước sạch vệ sinh môi trường Trạm Y tế xã Diên An, trước đợt mưa lũ, trạm đã được cấp 2.000 viên Cloramin B, cùng với 10kg Cloramin B bột dự trữ, lượng hóa chất này đủ để xử lý các giếng nước bị ngập toàn xã.  


Ngoài các hoạt động trên, các đội y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh còn tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, ra quân diệt lăng quăng ở một số nơi. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát hoạt động nói trên ở các trạm y tế; đồng thời tiến hành giám sát nguồn nước ở các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, tất các nguồn nước máy đều đạt chỉ tiêu.


Theo số liệu từ các địa phương, đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có hơn 2.880 giếng nước bị ngập, trong đó, huyện Cam Lâm nhiều nhất với gần 1.240 giếng, kế đến là huyện Diên Khánh với 1.170 giếng, TP. Nha Trang 384 giếng... Đến nay, các địa phương đã tiến hành khử khuẩn hơn 50% số giếng bị ngập. Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Để chủ động và hạn chế dịch bệnh phát sinh sau bão lũ, trong tháng 10, trung tâm đã tiến hành tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ y tế toàn tỉnh về cách thức xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt, cách phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa… Đồng thời, cấp phát cho các huyện, thị xã, thành phố hơn 1.620 lít hóa chất diệt côn trùng; 800 chai diệt ấu trùng muỗi; gần 900kg và 1.100 viên Cloramin B; 50kg phèn chua; 16.000 viên làm sạch nước, 3.750 cục xà phòng Lifebuoy… Hiện nay, số lượng hóa chất, vật tư, cơ số thuốc trung tâm đang dự trữ đủ và dư cho công tác phòng, chống lụt bão từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, trung tâm vừa được Bộ Y tế cấp 40 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B và 200 phao cứu sinh các loại”.


T.LY