11:11, 28/11/2018

Giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam: Khó vì giá rẻ, thuế nhẹ

Ở Việt Nam, cứ 10 người nam thì có đến 4 - 5 người hút thuốc lá. Đây là tỷ lệ rất cao so với các nước trên thế giới. Nguyên nhân là giá thuốc quá rẻ trong khi công cụ quản lý hiệu quả nhất là thuế thì lại quá nhẹ…

Ở Việt Nam, cứ 10 người nam thì có đến 4 - 5 người hút thuốc lá. Đây là tỷ lệ rất cao so với các nước trên thế giới. Nguyên nhân là giá thuốc quá rẻ trong khi công cụ quản lý hiệu quả nhất là thuế thì lại quá nhẹ…


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu không ngăn chặn thì trong thế kỷ XXI, tổng số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá trên toàn thế giới sẽ lên tới một tỷ người. Cụ thể, theo Tiến sĩ Lokky Wai - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá gây ra vượt xa phạm vi sức khỏe cộng đồng. Thuốc lá giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm, 80% những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Đồng thời, nó gây ra tổn thất kinh tế lên tới hơn 1.400 tỷ USD/năm, bao gồm chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động do thuốc lá. Hiện nay, các nước đang phát triển gánh chịu 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do sử dụng thuốc lá. Trong đó, tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá chiếm tới gần 1% GDP mỗi năm.

 

Việt Nam là nước có giá bán lẻ thuốc lá ở mức thấp.

Việt Nam là nước có giá bán lẻ thuốc lá ở mức thấp.


Những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá. Từ khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) ra đời (năm 2013), 62 tỉnh, thành phố; 18 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội thành lập ban chỉ đạo PCTHTL. Nhiều công đoàn cơ sở trên cả nước triển khai môi trường làm việc không khói thuốc lá, quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc…. Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế đã và đang hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện Luật PCTHTL, nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc; tăng cường tư vấn cai nghiện thuốc lá…


Tuy nhiên, để Việt Nam đạt mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc xuống dưới 39% vào năm 2020 còn rất nhiều gian nan. Bởi tại Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm bất lợi trong công tác PCTHTL, nhất là thuế thuốc lá tại Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực (chỉ cao hơn Campuchia). Theo WHO, năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới, phổ biến dưới mức 20.000 đồng/bao/20 điếu, đây là một trong những nguyên nhân người hút thuốc lá còn cao và giảm chậm. “Thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58%, thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của WHO là 75% giá bán lẻ”, Tiến sĩ Lokky Wai cho biết. Ngoài ra, theo điều tra (năm 2015) của Trường Đại học Y tế công cộng, hơn 90% điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá một bao, một tút, một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng.

Theo nghiên cứu của WHO, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45,3%. Hàng năm, có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam gần đây nhất cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.


Theo khuyến cáo của WHO, các kết quả trong PCTHTL có thể được cải thiện hơn rất nhiều bằng cách tăng đáng kể thuế thuốc lá, vì đây là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Việt Nam nên áp dụng phương án thuế hỗn hợp là phương án kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối với mức tăng ít nhất 2.000 đồng/1 bao 20 điếu. Có như vậy mới hy vọng giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam từ 45,3% năm 2015 xuống còn 39% vào năm 2020.


T.L