05:11, 26/11/2018

Lây nhiễm HIV trong nhóm đồng tính: Có Xu hướng gia tăng

Những năm gần đây, dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại có xu hướng gia tăng.

Những năm gần đây, dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại có xu hướng gia tăng.


Nguy cơ lây truyền cao


Anh N.V.T (TP. Nha Trang) kể, từ nhỏ anh đã có xu hướng thích những người cùng giới. Tuy nhiên, do sự kỳ thị của xã hội nên anh không dám bộc lộ giới tính thật của mình. Để che giấu, anh T. đã kết hôn và có con. Sau 10 năm chung sống, anh T. với vợ cũng chia tay. Những năm gần đây, anh có quen và quan hệ tình dục với nhiều người đồng giới. Lo sợ bị nhiễm HIV, được tuyên truyền, anh T. tới Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để xét nghiệm. “Nếu xét nghiệm bị nhiễm HIV, tôi không biết mình phải sống thế nào. Vì những người như tôi đã bị sự kỳ thị rất lớn của xã hội, nếu mang thêm căn bệnh này thì sự kỳ thị sẽ càng tăng lên gấp nhiều lần”, anh T. lo lắng.

 

Thuốc ARV được đóng gói chuyển về các cơ sở y tế để điều trị  cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Thuốc ARV được đóng gói chuyển về các cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.


Đây cũng là nỗi lo lắng của rất nhiều người trong nhóm MSM. Anh T.D.H -  đồng đẳng viên ở Nha Trang chia sẻ, MSM ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng rất nhiều, nhưng vì sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử nên họ vẫn phải khép mình, không dám bộc lộ thân phận. Nhiều trường hợp được các đồng đẳng viên tiếp cận tư vấn, họ đồng ý đi xét nghiệm HIV, nhưng khi được khẳng định nhiễm HIV, họ mất tích, không liên lạc được. Điều này rất nguy hiểm, bởi đây sẽ là nguồn lây rất lớn ra cộng đồng. Do bản thân đã bị kỳ thị, khi biết bị nhiễm HIV, họ sẽ giấu kết quả xét nghiệm. Khi quan hệ tình dục, để bạn tình không nghi ngờ, họ không sử dụng bất cứ biện pháp phòng vệ nào. Từ đó, làm tăng số người nhiễm HIV trong nhóm MSM… Ngoài ra, với người đồng tính có vợ, nếu chẳng may nhiễm HIV, họ sẽ đồng thời lây cho cả vợ và bạn tình của mình.


Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế, MSM và người chuyển giới là nhóm thiểu số về giới tính và tình dục đang bị xã hội kỳ thị, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Tại Việt Nam, có khoảng 450.000 MSM, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM có hồ sơ quản lý tại các tỉnh, thành đã lên hơn 20%. Đó là chưa kể, một số đông MSM chưa có hồ sơ quản lý và tiếp cận với các chương trình can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV. Trong khi đó, theo kết quả của một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nguy cơ nhiễm HIV của nhóm MSM cao gấp 19 lần so với các nhóm khác.


Tại Khánh Hòa, những năm gần đây, tỷ lệ số người trong nhóm MSM nhiễm HIV cũng gia tăng. Nếu 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ người trong nhóm MSM nhiễm mới HIV chiếm 13,3% thì 6 tháng đầu năm 2018 tăng hơn gấp đôi, lên 34,4%.


Khó kiểm soát  


Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, những năm trước, nhiều chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM đã được triển khai và được đẩy mạnh ở một số tỉnh, thành trọng điểm trong nước, trong đó có Khánh Hòa nên hạn chế được tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm này. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình, dự án đều xuất phát từ tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Hiện tại, nhiều dự án, chương trình đã kết thúc, riêng ở tỉnh vẫn hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động nhóm đồng đẳng viên ở mức tối thiểu. Do nguồn kinh phí hỗ trợ hạn hẹp, nhân lực ít nên việc tiếp cận nhóm MSM để tuyên truyền và cung cấp các hoạt động phòng, chống HIV còn gặp khó khăn.


Bên cạnh đó, sự kỳ thị của xã hội đối với người nhiễm HIV nói chung và nhóm MSM nói riêng còn rất lớn... Hệ quả là nhiều người nhiễm, trong đó có đối tượng MSM không dám tiếp cận dịch vụ y tế, tìm kiếm công việc cũng như các hoạt động xã hội khác. Nguồn kinh phí từ tài trợ quốc tế cắt giảm trên 90%, kinh phí Trung ương, địa phương cấp hạn hẹp... là những thách thức trong việc triển khai các hoạt động và duy trì thành quả của chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa tỉnh hiện nay.


Hiện nay, việc lây nhiễm HIV vẫn tập trung, tăng ở các nhóm nguy cơ cao như: MSM, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Bác sĩ Tin cảnh báo: “Nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả thì tình hình lây nhiễm HIV tiếp tục tăng ở nhóm đối tượng trên và ngày càng sẽ khó kiểm soát”.


C.Đan