10:07, 24/07/2020

Mở lại đường ngang vào mỏ đá Hòn Giốc Mơ: Chỉ làm nếu người dân đồng thuận

Trước kiến nghị của doanh nghiệp mở lại đường ngang giao đường sắt vào mỏ đá Hòn Giốc Mơ (thị xã Ninh Hòa), Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa khẳng định chỉ chấp thuận khi có sự đồng thuận của người dân và phải đóng một đường ngang cách đó hơn 230m.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp mở lại đường ngang giao đường sắt vào mỏ đá Hòn Giốc Mơ (thị xã Ninh Hòa), Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Khánh Hòa khẳng định chỉ chấp thuận khi có sự đồng thuận của người dân và phải đóng một đường ngang cách đó hơn 230m.


Xin mở lại đường ngang vào mỏ đá


Ngày 23-6, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC có văn bản gửi UBND thị xã Ninh Hòa đề nghị xem xét mở đường ngang vào mỏ đá Hòn Giốc Mơ trên tuyến đường sắt Bắc - Nam tại Km1288+320 và đóng đường ngang tại Km1288+088 (xã Ninh Lộc). UBND thị xã Ninh Hòa đã đưa ra quan điểm doanh nghiệp phải làm việc với UBND xã Ninh Lộc và người dân địa phương để lấy ý kiến đồng tình về việc rào đóng đường ngang tại Km1288+088 (hỗ trợ làm đường, cống, cổng làng…) như đã thỏa thuận trước đây mà công ty chưa thực hiện.

 

Đường ngang tại Km1288+320 hiện đã được rào đóng nhưng doanh nghiệp xin mở lại.

Đường ngang tại Km1288+320 hiện đã được rào đóng nhưng doanh nghiệp xin mở lại.


Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 4-2014, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC có tờ trình gửi các cơ quan chức năng đề xuất mở đường ngang giao đường sắt tại Km1288+320 thuộc địa bàn xã Ninh Lộc để làm đường chở vật liệu phục vụ thi công dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1. Tháng 6-2014, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ban hành văn bản yêu cầu để lập đường ngang này phải đảm bảo các điều kiện: Xây dựng đường gom (nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn đường sắt) để chuyển giao thông từ khu vực Km1288+088 đến đường ngang mới; tháo dỡ đường ngang tại Km1288+088 trước khi đưa vào khai thác đường ngang tại Km1288+320. Tuy nhiên, khi các bên liên quan tổ chức tháo dỡ đường ngang cũ thì người dân xung quanh phản ứng và không cho thực hiện. Vì vậy, đã hơn 4 năm đưa vào khai thác đường ngang mới nhưng đường ngang cũ vẫn chưa được tháo dỡ, trong khi 2 đường ngang này chỉ cách nhau hơn 230m, có nguy cơ mất ATGT đường sắt cao. Không chỉ vậy, trong thời gian khai thác đường ngang mới, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC còn gây ra nhiều bất cập. Địa phương đã nhiều lần yêu cầu khắc phục nhưng doanh nghiệp này không thực hiện. Cuối tháng 5-2019, Cục Đường sắt Việt Nam đã làm việc với Ban ATGT tỉnh thống nhất đóng đường ngang mới để đảm bảo ATGT. Đến tháng 7-2019, việc đóng đường ngang này đã được hoàn tất. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm sau ngày đóng đường ngang nói trên, doanh nghiệp lại một lần nữa xin mở ra.


Phải có sự đồng thuận của người dân


Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh cho biết, để làm rõ nhu cầu sử dụng đường ngang tại Km1288+320 của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì họp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan. Sau khi lấy ý kiến các ngành, địa phương, ban nhận thấy đường ngang tại Km1288+088 có cảnh báo tự động (không có cần chắn tự động), lại có độ dốc lớn. Các yếu tố kỹ thuật của đường bộ trong phạm vi đường ngang không đảm bảo theo quy định về đường ngang và cấp phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Trong khi đó, đường ngang tại Km1288+320 là đường ngang cấp II, có người gác, rộng 12m, được đầu tư đúng quy định và đảm bảo an toàn kỹ thuật, ATGT. Tại vị trí nút giao Quốc lộ 1 với đường ngang đường sắt Km1288+320 đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận cho phép mở dải phân cách giữa.


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, việc mở đường ngang tại Km1288+320, đồng thời đóng đường ngang tại Km1288+088 trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vừa đảm bảo ATGT đường sắt, đường bộ và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh tế, cung cấp vật liệu cho một số dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC và chính quyền địa phương cần họp bàn thống nhất, cam kết về các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội, đường giao thông… với nhân dân địa phương một cách chi tiết và có thời gian hoàn thành cụ thể. Trong thời gian chưa thực hiện các nội dung cam kết trước đây với người dân, đường ngang tại Km1288+320 vẫn tiếp tục được rào đóng để bảo đảm ATGT theo tinh thần chỉ đạo của Cục Đường sắt Việt Nam. Ngoài ra, đối với tuyến đường gom dọc đường sắt phải thực hiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật về đường giao thông nông thôn với mặt đường bê tông xi măng, bề rộng mặt đường tối thiểu phải đạt 3,5m; phải đảm bảo êm thuận, thoát nước, vệ sinh môi trường và ATGT.


Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận với nhân dân và phải hoàn thành xây dựng các công trình trước ngày 30-10. Nếu sau ngày 30-10, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC không thỏa thuận được với người dân và không thực hiện các nội dung đã cam kết, Sở Giao thông vận tải (cơ quan Thường trực Ban ATGT tỉnh) sẽ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam về việc đóng vĩnh viễn đường ngang tại Km1288+320. Mọi chi phí, thiệt hại liên quan đến việc đóng đường ngang tại Km1288+320, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và cam kết không đòi hỏi các bên bồi thường dưới mọi hình thức.


MẠNH HÙNG