07:05, 26/05/2015

Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa

Đề tài "Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa" được triển khai từ năm 2011 - 2014 đã cho thấy rừng Khánh Hòa có tính đa dạng sinh học cao. 
 

Đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học (ĐDSH) rừng Khánh Hòa” được triển khai từ năm 2011 - 2014 đã cho thấy rừng Khánh Hòa có tính ĐDSH cao. 
 
 
Đề tài do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà) thực hiện. Đoàn nghiên cứu đã tiến hành 19 đợt khảo sát các khu vực rừng trong toàn tỉnh, nhiều nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, các khu vực rừng Giang Ly, Sơn Thái, Hòn Giao (Khánh Vĩnh), Đầm Môn, bãi Ông Nghi (Vạn Ninh), Ninh Tây, Hòn Hèo (Ninh Hòa), Hòn Vọng Phu (ranh giới Đăk Lăk, Phú Yên, Khánh Hòa), thung lũng Ô Kha (Khánh Sơn)... Qua đó thu thập thông tin, hình ảnh, đồng thời kết hợp các tài liệu công bố chính thức trong và ngoài nước đã được sưu tầm để chọn lọc, tổng hợp, đánh giá xây dựng bộ dữ liệu ĐDSH rừng Khánh Hòa. 

 

Nhóm nghiên cứu khảo sát rừng Hòn Bà.
Nhóm nghiên cứu khảo sát rừng Hòn Bà.
 
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, rừng Khánh Hòa có tính ĐDSH rất cao. Về thực vật, đến nay ghi nhận tổng cộng 159 loài thực vật bậc thấp, gồm 66 chi, 43 họ; thực vật bậc cao ghi nhận 2.208 loài, 943 chi, 196 họ. Trong số các loài thực vật đã ghi nhận, có 91 loài quan trọng cần quan tâm bảo tồn, trong đó số loài bị đe dọa ở quy mô toàn cầu là 36 loài, 69 loài bị đe dọa quy mô quốc gia... Khu hệ động vật Khánh Hòa không những có sự đa dạng cao mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn các loài động vật bị đe dọa. Ở quy mô quốc gia, Khánh Hòa có 52 loài động vật bị đe dọa; ở quy mô quốc tế, Khánh Hòa có 37 loài động vật bị đe dọa (dù dì Nepan, trăn đất, trăn gấm...). 
 
 
Theo kỹ sư Trần Giỏi - Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường tỉnh - thành viên nhóm nghiên cứu, với địa hình chuyển tiếp từ cao nguyên Langbiang xuống khu vực ven biển miền Trung, Khánh Hòa có các loài và hệ sinh thái quan trọng của cao nguyên này và mang tính điển hình của khu vực Nam Trung Bộ, đồng thời với địa hình phức tạp và thay đổi độ cao đột ngột nên mang tính ĐDSH đặc biệt so với khu vực khác. Hệ sinh thái rừng phong phú, cá biệt khu vực Hòn Giao có kiểu rừng lùn núi đá rất đặc sắc. Vì vậy, Khánh Hòa có nhiều loài cây đặc hữu, quý hiếm như: Pơ mu, Thông 2 lá dẹp, Bách xanh, Hồng Tùng, Quế rừng, Xá xị, Dó bầu, Sồi Langbiang, Sơn huyết...; đa dạng về cây cảnh, nguồn lan rừng, xuất hiện một số loài cây mới được công bố như: Đa tử trà hương, Trà cành dẹp. Đặc biệt, hàng loạt loài mới được ghi nhận như loài trà Krempt vốn chỉ biết ở Khánh Hòa từ thế kỷ trước. Động vật rừng có nhiều loài chim, thú quý hiếm như: Vượn đen má hung, Chà vá chân đen, chim Hồng hoàng, Sóc bay...
 
 
ĐDSH rừng Khánh Hòa đặt ra những thách thức cho công tác bảo tồn và phát triển rừng. Theo nhóm nghiên cứu, tác động của đô thị hóa, quy hoạch các khu kinh tế trọng điểm, dự án thủy điện, nạn phá rừng đe dọa an toàn ĐDSH. Trong khi đó, công tác bảo vệ rừng còn nhiều bất cập khiến công tác bảo vệ và phát triển ĐDSH gặp nhiều khó khăn. Khu vực Sơn Thái - Giang Ly và Hòn Hèo được Chính phủ công nhận là Khu Dự trữ sinh thái bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhưng hiện nay vẫn chưa được xúc tiến triển khai. Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp: Rà soát và quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng, phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà thành vườn quốc gia; triển khai các mô hình quản lý bền vững; phục hồi và phát triển rừng ngập mặn; bảo vệ ĐDSH trên phương pháp tiếp cận hệ sinh thái; phát triển các hình thức bảo tồn chuyển vị đối với các loài đặc hữu, quý hiếm; sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, xây dựng Chương trình quan trắc tài nguyên môi trường và ĐDSH; tuyên truyền nâng cao nhận thức về ĐDSH; quản lý, kiểm soát chặt chẽ sinh vật ngoại lai; phát triển du lịch sinh thái... 
 
 
Theo ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng đề tài, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước đạt kết quả khả quan, cung cấp cơ sở dữ liệu để đánh giá đầy đủ hơn ĐDSH rừng Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá cần quan tâm đến sự phối hợp, chia sẻ thông tin của các đơn vị, tổ chức...
 
P.L