Tại kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, đề thi môn Ngữ văn vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) có một số nội dung gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đề thi có sơ suất về hình thức nhưng không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh.
Tại kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, đề thi môn Ngữ văn vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) có một số nội dung gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đề thi có sơ suất về hình thức nhưng không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh.
Đề thi có 2 câu, trong đó câu số 1 với nội dung đã gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội như sau: “Trong cuốn sách Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng, Lu-Mannup đã chia sẻ: Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”.
Sau khi đề thi được chia sẻ đã có nhiều ý kiến mổ xẻ. Bà Nguyễn Minh Thu (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) cho rằng, để áp dụng câu “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng” vào phân tích chỉ đúng với một khía cạnh nào đó, chứ không đúng hoàn toàn với mọi bối cảnh. Việc khoai tây mềm, trứng cứng lại là điều tất yếu; 2 thứ này khi cho vào nước sôi nấu lên đều phải đạt điều kiện đó để chín và để ăn. Nếu học sinh chọn làm trứng, hay làm khoai tây đều đúng cả, nên để phân tích về bản lĩnh nội tại của mỗi người thông qua giả định này sẽ chưa đúng lắm và có nhiều cách để phân tích.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp giả định “Nếu ở trong nước sôi...” không phù hợp để đưa vào đề thi vì để học sinh liên tưởng đến cảnh rùng rợn. “Có nhiều ví dụ khác để đặt giả thiết, nhưng người ra đề lại đưa ra giả thiết khá phản cảm, tôi thấy không phù hợp lắm”, ông Đặng Thành Trung - người dùng facebook chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng câu hỏi này có thể phát huy tính tư duy của học sinh. Bà Trần Ánh Thu - người dân cho rằng, đối với học sinh thi vào chuyên Văn, đề thi này hay, không quá sức. Chỉ đáng tiếc ở chỗ, từ “nước sôi” nên được đặt trong ngoặc kép, để người đọc không hiểu sai ý nghĩa, vặn vẹo về câu từ.
Cùng quan điểm, ông Lê Khổng Hàng Giang (facebook Le Giang) chia sẻ: “Đề văn như thế này cũng là thử thách nho nhỏ cho học sinh; hơn nữa, đây là đề Văn thi vào trường chuyên nên tôi thấy có phần khác lạ cũng là bình thường. Câu hỏi này giúp học sinh tư duy theo lối mở, dựa vào suy nghĩ và lập luận của các em nhiều hơn là kiến thức sách vở”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, với những ý kiến xoay quanh đề thi môn chuyên Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, sáng 7-6, lãnh đạo sở đã có cuộc họp với các giáo viên chuyên môn và cán bộ liên quan. Theo đánh giá tổng quan, đề văn vẫn được cho là hay, giúp học sinh tư duy, phát triển quan điểm cá nhân. Ở câu hỏi gây tranh cãi, mục đích là gửi gắm đến học sinh thông điệp về bản lĩnh nội tại của con người trước nghịch cảnh; đây là vấn đề mang tính giáo dục, gắn với thực tiễn giới trẻ ngày nay dễ lung lạc và đánh mất mình trước cám dỗ, xô bồ của xã hội. Dụng ý của đề thi là mong muốn tuyển chọn được những thí sinh có chất văn, tư duy độc lập, có khả năng kiến giải vấn đề một cách sâu sắc, mới mẻ. Việc ra đề có sơ suất khi các từ “nước sôi”, “quả trứng”, “củ khoai tây” trong phần giả định đã không được bỏ trong ngoặc kép hoặc in nghiêng, khiến nhiều người đọc hiểu nhầm và suy luận ra đề nói đến nước sôi bình thường theo đúng nghĩa đen và có những ý kiến trái chiều. Đây là sơ suất của người ra đề thuộc về hình thức trình bày nhưng không làm sai biệt thông điệp của phần trích dẫn, vì thế không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh. Với tinh thần tiếp thu các góp ý, xây dựng, sở sẽ rút kinh nghiệm và có chấn chỉnh trong công tác ra đề thi trong những lần thi tới, đảm bảo chất lượng, chặt chẽ hơn.
VĨNH THÀNH