09:10, 18/10/2020

Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả: Chưa bàn giao lại quỹ đất công đã mượn

Năm 2012, để phục vụ dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tạm bàn giao hơn 4,8ha đất công trên địa bàn xã Đại Lãnh cho nhà đầu tư sử dụng làm bãi đổ thải và nhà ở cho công nhân.

Năm 2012, để phục vụ dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tạm bàn giao hơn 4,8ha đất công trên địa bàn xã Đại Lãnh cho nhà đầu tư sử dụng làm bãi đổ thải và nhà ở cho công nhân. Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác hơn 3 năm nay, diện tích đất tạm giao này bỏ không nhưng nhà đầu tư vẫn chưa bàn giao lại cho địa phương.


Năm 2012, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả bắt đầu triển khai dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, UBND huyện Vạn Ninh đã đồng ý tạm bàn giao 2 khu vực đất (đất công do xã Đại Lãnh quản lý) làm bãi đổ thải và làm nhà tiền chế, phục vụ cho công nhân thực hiện dự án. “Tháng 9-2017, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả hoàn thành đưa vào khai thác. Sau ngày đó, lực lượng công nhân cũng dời đi, bãi đổ thải được dọn dẹp. Từ đó đến nay, khu vực này bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa bàn giao lại cho xã. Điều đáng nói, Đại Lãnh có diện tích đất chỉ khoảng hơn 103ha, rất nhỏ hẹp, nằm xen kẹp giữa đèo Cổ Mã và đèo Cả; địa phương lại bị chia nhỏ bởi đường sắt và đường bộ nằm song song nhau. Chính bởi địa hình này nên địa phương rất khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, thiếu đất tái định cư các dự án”, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết.

 

Khu vực bãi đổ thải phục vụ dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả.

Khu vực bãi đổ thải phục vụ dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả.

 

Ông Lưu Xuân Thủy - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả: Doanh nghiệp chưa nhận được văn bản đề xuất nào về việc giao lại quỹ đất tại xã Đại Lãnh sau khi dự án Hầm đường bộ đèo Cả đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để có thông tin chính xác, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ về đất đai, nếu có việc đó sẽ tiến hành phối hợp với địa phương làm các thủ tục bàn giao. Bởi tôi được biết, ngoài phần diện tích được sử dụng phục vụ dự án, những khu vực khác doanh nghiệp cũng không sử dụng vào mục đích gì khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối năm 2017, huyện Vạn Ninh đã tổ chức công bố quy hoạch chi tiết 1/500 trung tâm đô thị Đại Lãnh. Theo đó, khu vực thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm đô thị Đại Lãnh có diện tích 103,08ha, với ý tưởng quy hoạch trung tâm dịch vụ du lịch ven biển, tận dụng lợi thế vị trí khá riêng biệt và dải bờ biển có giá trị về cảnh quan để phát triển một khu phố biển với hình thái kiến trúc cảnh quan thân thiện với môi trường. Từ đó, hình thành trung tâm đô thị rõ nét, tạo ra các không gian mặt tiền có giá trị kinh tế thương mại, dịch vụ. Đồng thời, nâng cao chất lượng môi trường sống thông qua việc bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng và các không gian mở công cộng. Không chỉ vậy, Đại Lãnh có vị trí gần với bán đảo Hòn Gốm, có vai trò tích cực trong việc cung cấp dịch vụ hậu cần cho quá trình phát triển trên bán đảo.

 

Để thực hiện quy hoạch này, hàng chục tuyến đường được xây dựng để kết nối giao thông. Cũng từ đây, phát sinh công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư cho những trường hợp bị ảnh hưởng. Lãnh đạo xã Đại Lãnh cho biết, do quỹ đất chật hẹp nên việc bố trí tái định cư rất khó khăn, trong khi phần diện tích đất công nhàn rỗi mà nhà đầu tư Đèo Cả đang quản lý tạm thời lại chưa được bàn giao lại. Tới đây, khi di dời khoảng 30 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở phía chân đèo Cả, xã dự định sẽ xây nhà tái định cư tại khu đất nói trên.


“Xã đã đăng ký làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện, để xác định mốc giới, diện tích chính xác 2 khu đất mà nhà đầu tư đang tạm quản lý. Từ đó, tham mưu UBND huyện có văn bản hoặc làm việc với doanh nghiệp sớm có phương án giao đất lại cho địa phương làm các khu tái định cư phục vụ những dự án trên địa bàn xã”, ông Tuấn thông tin.


Thành Nam