10:05, 10/05/2020

Nỗ lực tuyên truyền, giáo dục lối sống trong gia đình

Sau 5 năm thực hiện Đề án "Tuyên truyền đạo đức, giáo dục, lối sống trong gia đình Việt Nam", công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác xây dựng gia đình văn hóa.

 

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền đạo đức, giáo dục, lối sống trong gia đình Việt Nam”, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác xây dựng gia đình văn hóa.


Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 75 mô hình “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, 100% đơn vị, trường học thực hiện giảng dạy lồng ghép, tích hợp các nội dung về giáo dục đời sống gia đình; 100% trường học niêm yết các văn bản tuyên truyền về nội dung giáo dục đời sống gia đình tại phòng họp của nhà trường. Hàng năm, Sở VH-TT đều tổ chức tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình qua hình thức sân khấu hóa ở các địa phương. Sở cũng phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức triển khai lồng ghép nội dung này vào công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; lồng ghép vào Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời tổ chức 3 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, các tiểu phẩm tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng hình thức sân khấu hóa trong các trường học, nhất là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.


Cùng với đó, thông qua việc triển khai đề án, Sở VH-TT đã phối hợp với UBND thị xã Ninh Hòa xây dựng và duy trì mô hình điểm “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” tại xã Ninh Bình với 1.728 buổi sinh hoạt về nội dung gia đình phát triển bền vững. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu, giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp trong gia đình, quan tâm nuôi dạy con tốt, tích cực tham gia công tác xã hội… Điển hình là gia đình ông Lê Văn Hoàng (thị xã Ninh Hòa). Ông chạy xe ôm, vợ buôn bán rau ngoài chợ nhưng đã cố gắng tranh thủ làm thêm, tích lũy tiền cho các con đi học. Đáp lại sự yêu thương của cha mẹ, các con của ông chăm chỉ học giỏi, được khen thưởng, nhận học bổng hàng năm.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT, sau 5 năm triển khai, nhờ sự nỗ lực của các địa phương, các cấp, ngành liên quan, đến cuối năm 2019, có 88% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 90% cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con; 94,5% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; 96,6% gia đình có người trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền và thực hiện đúng chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình…


Tuy nhiên, theo ông Hoa, hạn chế hiện nay là tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng tăng. Số vụ ly hôn mà tòa án các cấp trong toàn tỉnh đã giải quyết tăng rất nhanh qua các năm, cụ thể: năm 2005 có 1.547 vụ ly hôn; năm 2010 có 2.346 vụ; năm 2019 có 4.252 vụ ly hôn. Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả đề án, sở sẽ tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng và người dân về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chủ động kiểm soát và giải quyết tốt những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bất bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.


THANH TRÚC