10:05, 06/05/2020

Khó đạt mục tiêu độ che phủ rừng

Theo công bố hiện trạng rừng Khánh Hòa năm 2019 của UBND tỉnh, tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh mới đạt 45,49%. Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng sẽ rất khó để đạt mục tiêu tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 47,5% vào năm 2020 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Theo công bố hiện trạng rừng Khánh Hòa năm 2019 của UBND tỉnh, tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh mới đạt 45,49%. Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng sẽ rất khó để đạt mục tiêu tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 47,5% vào năm 2020 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.


Chưa đạt mục tiêu


Khánh Sơn là huyện miền núi, có điều kiện để phát triển lâm nghiệp, nâng độ che phủ rừng, nhưng đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện chỉ đạt 63,18%, trong khi mục tiêu huyện đề ra đến năm 2020, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 65%. Theo ông Đỗ Lam Điền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn, rất khó để đến cuối năm 2020, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do có nhiều diện tích rừng bị gãy đổ do hậu quả của cơn bão số 12 cuối năm 2017; chưa kể nhiều diện tích trước đây người dân trồng cây lâm nghiệp, đến khi khai thác xong không tiếp tục trồng lại rừng mà chuyển sang trồng cây ăn quả, bởi hiệu quả kinh tế của cây ăn quả cao hơn rừng.

 

Đầu tháng 4 vừa qua, UBND thị xã Ninh Hòa đã công bố hiện trạng rừng trên địa bàn năm 2019. Theo đó, độ che phủ rừng của địa phương này mới đạt 42,73%, thấp hơn mục tiêu Đại hội Đảng bộ thị xã đề ra đến năm 2020, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 43,5%. Điều đáng nói là độ che phủ rừng của thị xã Ninh Hòa năm 2019 giảm hơn so với cuối năm 2018 là 0,74%. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho rằng, nguyên nhân khiến độ che phủ rừng của địa phương giảm so với năm 2018 là do diện tích rừng trồng của chủ rừng nhà nước bị gãy đổ, thanh lý nhưng chưa có dự án trồng mới rừng trên diện tích này; việc hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng trên đất lâm nghiệp cũng không thực hiện được. Ngoài ra, nhiều diện tích rừng của hộ gia đình, cá nhân sau khai thác không tiếp tục trồng rừng thay thế mà chuyển sang trồng các loại cây nông nghiệp.


Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng khó thực hiện mục tiêu độ che phủ rừng đến năm 2020 vì những nguyên nhân tương tự. Điều lãnh đạo các hạt kiểm lâm lo lắng là tỷ lệ độ che phủ rừng ở các địa phương trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động theo hướng bất lợi. Bởi từ đầu năm đến nay, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là nạn phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật đang có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó, cháy rừng đã diễn ra ở một số địa phương và nguy cơ cháy rừng vẫn rất lớn từ nay cho đến cuối tháng 8.

 

Một góc rừng dọc theo tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng.

Một góc rừng dọc theo tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng.

 

Cần đẩy mạnh trồng mới rừng

 

Ngày 28-4, UBND tỉnh có quyết định công bố hiện trạng rừng Khánh Hòa năm 2019. Theo đó, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 45,49%; toàn tỉnh có hơn 243.979ha rừng; hơn 74.544ha chưa có rừng nhưng thuộc quy hoạch 3 loại rừng. Cụ thể, độ che phủ rừng của các địa phương như sau: Cam Lâm 47,83%; Cam Ranh 20,2%; Diên Khánh 33,36%; Khánh Sơn 63,18%; Khánh Vĩnh 76,75%; Nha Trang 12,77%; Ninh Hòa 42,73%; Vạn Ninh 50,4% và Trường Sa 0,08%.

Mặc dù khó đạt mục tiêu độ che phủ rừng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra nhưng nếu so sánh với tỷ lệ chung của cả nước cuối năm 2019 đạt 41,89% thì độ che phủ rừng của Khánh Hòa vẫn khá cao. Tỷ lệ này có được là nhờ chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, hiệu quả từ rừng sản xuất mang lại cho người dân ngày một cao nên ở nhiều địa phương, diện tích rừng sản xuất đang tăng dần, nhiều khu vực có độ dốc cao đã được người dân trồng keo. Cùng với đó, việc trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên của các chủ rừng cũng được chú trọng.


Tại huyện Khánh Vĩnh, để từng bước nâng độ che phủ rừng trên địa bàn, những năm qua, địa phương đã tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời cho người dân thực hiện các dự án trồng rừng. Ngoài ra, thấy hiệu quả của cây keo trên đất lâm nghiệp, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, đến nay toàn huyện đã có hơn 10.000ha rừng keo. Diện tích rừng sản xuất này đã góp phần không nhỏ vào việc gia tăng độ che phủ rừng của huyện. Điều khó giải quyết hiện nay là tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trên địa bàn vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, nguy cơ cháy rừng luôn rình rập.


Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, để giữ độ che phủ rừng hiện có, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc phải quyết liệt trong việc chống nạn lấn chiếm đất rừng, phát đốt rừng làm nương rẫy, nhất là ở các huyện miền núi; ngăn chặn nạn phá rừng. Đặc biệt, năm nay, dự báo nguy cơ cháy rừng sẽ rất lớn, toàn tỉnh có đến hơn 51.000ha rừng có nguy cơ cháy cao, vì vậy các hạt kiểm lâm phải tham mưu hiệu quả cho chính quyền địa phương làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Để tăng độ che phủ rừng, biện pháp quan trọng là phải đẩy mạnh công tác trồng mới rừng, nhất là đối với các diện tích rừng đã thanh lý sau cơn bão số 12 năm 2017; các chủ rừng nhà nước cần tập trung chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng; cùng với đó, phải triển khai kịp thời các chính sách để khuyến khích người dân phát triển rừng sản xuất.


HẢI LĂNG