08:09, 26/09/2019

Hiệu quả từ mô hình chăm sóc người bị trầm cảm

Được triển khai từ năm 2016, mô hình "Công tác xã hội đối với bệnh nhân trầm cảm" đã góp phần sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm đối với những trường hợp có nguy cơ bị trầm cảm. Nhờ đó, nhiều người bệnh đã vượt qua những vấn đề về tâm lý, ổn định cuộc sống.

Được triển khai từ năm 2016, mô hình “Công tác xã hội - CTXH - đối với bệnh nhân trầm cảm” đã góp phần sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm đối với những trường hợp có nguy cơ bị trầm cảm. Nhờ đó, nhiều người bệnh đã vượt qua những vấn đề về tâm lý, ổn định cuộc sống.


Cộng đồng chung tay


Ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm CTXH cho biết, mô hình “CTXH đối với bệnh nhân trầm cảm” nằm trong “Dự án chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng” do trung tâm thực hiện. Dự án đang được trung tâm tổ chức thực hiện thí điểm ở 4 xã, phường là: Phước Tiến, Phương Sài (TP. Nha Trang) và Diên Điền, Diên An (huyện Diên Khánh). Theo đó, trung tâm tiến hành các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các hội nghị truyền thông về nghề CTXH tại các xã, phường, thị trấn để giúp người dân nắm được các hoạt động của mô hình và tham gia khám, sàng lọc phát hiện bệnh sớm. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh thực hiện các hoạt động: Khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhân trầm cảm nội và ngoại trú; tổ chức can thiệp cho các bệnh nhân trầm cảm bằng tâm lý liệu pháp, phối hợp với nhân viên CTXH thực hiện hoạt động quản lý đối với các bệnh nhân trầm cảm; ra y lệnh thực hiện hoạt động chuyển bệnh nhân trầm cảm vào điều trị nội trú hay chuyển gửi về trung tâm để tư vấn, trị liệu tâm lý hoặc về cộng đồng khi xuất viện.

 

Thảo luận nhóm phương pháp hỗ trợ cho người mắc bệnh trầm cảm  đang sống tại cộng đồng.

Thảo luận nhóm phương pháp hỗ trợ cho người mắc bệnh trầm cảm đang sống tại cộng đồng.


Triển khai mô hình, Trung tâm CTXH tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 160 người, gồm cán bộ phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố; cộng tác viên CTXH các xã, phường, thị trấn và nhân viên chăm sóc tại 12 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, mô hình đã rà soát được 2.776 người, phát hiện 35 trường hợp mắc bệnh trầm cảm. Qua đó, kịp thời can thiệp sớm, giúp trị liệu về tâm lý cho các đối tượng mắc bệnh trầm cảm nhẹ, trung bình đang sống tại cộng đồng; đồng thời phát hiện người bị bệnh trầm cảm nặng chuyển tuyến đến Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần điều trị. Hiện nay, các trường hợp này đều đã hồi phục.


Bà Lê Thị T. Ph. (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), một trong những người mắc trầm cảm được chữa trị thành công cho biết, vì kinh tế gia đình sa sút, bà đã trải qua 2 năm mất ngủ dẫn tới tai biến mạch máu não nhẹ và đã nhiều lần muốn đoạn tuyệt với cuộc sống. Nhờ cộng tác viên kiên trì đến tận nhà động viên thuyết phục, bà đã vượt qua mặc cảm và điều trị bệnh trầm cảm theo phương pháp tâm lý trị liệu mà không phải dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của Trạm Y tế xã. Chỉ sau 2 tháng, bà đã hồi phục.


Tiếp tục rà soát, phát hiện và can thiệp sớm


Theo bà Nguyễn Thị Diệu Lý - cán bộ Văn phòng Đảng ủy, kiêm cộng tác viên CTXH phường Phương Sài, TP. Nha Trang, vai trò của đội ngũ cộng tác viên CTXH trong việc tham gia hệ thống hỗ trợ người bệnh vô cùng quan trọng. Dự án xây dựng được mạng lưới cộng tác viên ngay tại khu dân cư. Họ là người có thể phát hiện sớm và dễ dàng tiếp cận được với những người có dấu hiệu trầm cảm tại khu vực sinh sống, đồng thời trực tiếp phổ biến nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần và tư vấn hỗ trợ bệnh nhân.


Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh trầm cảm, lồng ghép y tế và CTXH từ cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Hiệp cho biết, do đội ngũ làm CTXH tại địa phương còn mỏng, nhất là ở cấp xã chỉ có 1 cán bộ, chủ yếu là kiêm nhiệm nên hoạt động này hầu như dựa vào đội ngũ cộng tác viên vốn có trình độ không đồng đều. Mặt khác, cán bộ làm CTXH gặp sự kỳ thị, không hợp tác từ bản thân người bệnh, gia đình họ cũng như cả cộng đồng vì mặc định chữa bệnh là việc của ngành Y tế. Quá trình phối hợp dễ xảy ra chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của cán bộ 2 ngành với nhau...


Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện người mắc bệnh trầm cảm; kịp thời can thiệp sớm, trị liệu sớm số người mắc bệnh trầm cảm đang sống tại cộng đồng, góp phần giảm thiểu số người mắc bệnh này đang gia tăng hiện nay. Bên cạnh đó, thường xuyên đến gia đình đối tượng để tư vấn, tham vấn tâm lý khi người bệnh đã trở về cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bệnh trầm cảm, trong đó nhấn mạnh trầm cảm là một chứng rối loạn có thể chữa khỏi…


THANH TRÚC