11:10, 18/10/2018

Nữ trưởng thôn làm theo lời Bác

Chưa đến 30 tuổi, nữ trưởng thôn Cao Thị Nương (thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) là một tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm cụ thể, chị luôn song hành cùng người dân trong thôn trong phát triển kinh tế, xây dựng thôn xóm ngày một khang trang, đổi mới.

Chưa đến 30 tuổi, nữ trưởng thôn Cao Thị Nương (thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) là một tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm cụ thể, chị luôn song hành cùng người dân trong thôn trong phát triển kinh tế, xây dựng thôn xóm ngày một khang trang, đổi mới.


Năm 2014, chị Nương được bầu làm trưởng thôn và sau đó tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, kiêm tổ trưởng tổ vay vốn. Theo chị, để vận động, thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số thì người làm công tác dân vận phải thực sự am hiểu, gắn bó với người dân, luôn sâu sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của từng người, từng hộ gia đình để tìm cách tháo gỡ kịp thời. “Hàng ngày, tôi cùng những người đứng đầu các tổ chức đoàn thể của thôn tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, chị Nương chia sẻ. Hơn 2 năm qua, chị đứng ra vận động, quyên góp nguồn quỹ để hỗ trợ hàng chục gia đình gặp khó khăn trong thôn có người thân qua đời 100kg gạo và 300.000 đồng/hộ.

 

Chị Nương (bìa phải) đi tuyên truyền, vận động.

Chị Nương (bìa phải) đi tuyên truyền, vận động.


Thôn A Thi có tổng số 290 hộ sinh sống, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Được sự tuyên truyền, vận động của chị Nương, chị em phụ nữ nói riêng và người dân trong thôn nói chung đã tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng thôn văn hóa, dần loại bỏ các hủ tục trong đời sống, giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong thôn có gần 10 hộ tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất vườn để làm đường giao thông, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm còn hơn 30%. Năm 2017, thôn có 178 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa các cấp… Nhờ làm tốt công tác quản lý, đồng thời tích cực hướng dẫn chị em sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả nên trong tổ vay vốn do chị phụ trách không có tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn. “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Được sự giúp đỡ của chị Nương, tôi được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng mía tím và bưởi da xanh. Bên cạnh đó, chị Nương cũng luôn nhiệt tình hướng dẫn gia đình tôi từ cách trồng và chăm sóc, bón phân cho các loại cây trồng để nâng cao năng suất. Nhờ đó, đến nay, gia đình tôi đã vượt qua khó khăn và thoát nghèo”, chị Mấu Thị Oanh (thôn A Thi) bày tỏ.  


Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động, chị Nương còn là một tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, coi đây là biện pháp hữu hiệu nhất để người dân tin và làm theo mình. Ngoài thời gian tham gia công tác xã hội, chị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc mía tím, sầu riêng, chăn nuôi bò, heo, trồng vườn rừng… Mỗi năm, gia đình chị thu nhập bình quân 75 - 90 triệu đồng sau khi trừ chi phí.


Theo bà Nguyễn Thị Kim - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Khánh Sơn, tuy còn trẻ tuổi nhưng chị Nương là một nữ trưởng thôn gương mẫu, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Điều đó thể hiện qua những giấy khen của tỉnh và huyện trao tặng cho chị trong những năm qua, hơn thế là sự tín nhiệm, tin tưởng của người dân dành cho chị. Đặc biệt, năm 2018, chị Nương là đại diện duy nhất của phụ nữ tỉnh Khánh Hòa được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam biểu dương tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.


Đinh Luận