05:04, 28/04/2018

Ký ức chiến khu ngày đại thắng

Giữa những tháng năm chiến tranh khốc liệt, chiến khu Đồng Bò (Nha Trang) là một trong những căn cứ địa mang tầm chiến lược trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cùng với người dân nơi đây, những đoàn quân từ nhiều binh chủng hợp thành đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân của 43 năm trước.

Giữa những tháng năm chiến tranh khốc liệt, chiến khu Đồng Bò (Nha Trang) là một trong những căn cứ địa mang tầm chiến lược trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cùng với người dân nơi đây, những đoàn quân từ nhiều binh chủng hợp thành đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân của 43 năm trước.

 

Chiến khu Đồng Bò hay còn gọi là dãy Hoàng Ngưu, bức tường thành ấy là điểm hẹn không thể nào quên, rất đỗi hào hùng trong tâm thức mỗi người cựu binh đã từng có mặt nơi đây một thời trận mạc. Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, họ trở về chiến khu tìm gặp lại nhau. Tay bắt mặt mừng, trầm thăng cảm xúc. Nghĩa cử ấy thật vẹn nguyên tình đồng chí, đồng đội. Vui niềm vui ngày hội tụ nhưng cũng không khỏi những nét trầm tư khi trong họ lại vơi đi một vài gương mặt đồng đội thân yêu lúc ngồi lại điểm danh.


Cùng một chiến hào họ tìm về tập hợp. Chúng tôi may mắn được cùng các chị, các anh hành quân dọc chiến khu thăm lại chiến trường xưa. Đá Hang, căn cứ địa năm nào vẫn uy linh sừng sững. Đây rồi Gộp Thị ủy Vĩnh Xương, Vĩnh Trang, qua Suối Lùng, Suối Váng, Suối Phi Châu… Qua mỗi vùng ký ức họ lại dừng chân ngơi nghỉ, chụp tấm hình lưu niệm, rồi miên man chuyện trò, nhắc nhớ… Ông Nguyễn Thành Long - người con xứ Quảng, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Thành - Đội trưởng Đội công tác Vùng 5 - Vĩnh Trang nhắc cho chúng tôi hay một số địa danh của chiến khu một thời đáng nhớ như: Gộp Mậu Thân, đồi Thống Nhất, đồi Hòn Thị, đồi Khu A, Gộp C4, Gộp 98, Gộp Thị đội… Nhìn ánh mắt các anh, các chị cùng dõi về nơi ấy, chúng tôi nhận ra trong niềm tự hào kiêu hãnh có chút trầm tư khi đồng đội của họ đã có không ít người nằm lại đâu đây hay có những ai chưa về được với tượng đài…

 

Gặp mặt đồng đội tại chiến khu Đồng Bò.

Gặp mặt đồng đội tại chiến khu Đồng Bò.

 

Có một địa chỉ dưới chân núi giữa chiến khu mà hầu như suốt bao năm nay chưa một lần lỗi hẹn những cuộc tri ngộ của những người đồng đội. Đó là ngôi nhà “bằng hữu” của ông bà Hai Long - Anh Đào. Đồng đội quây quần, bữa cơm chiều nóng hổi thơm ngon giữa sân vườn thoáng rộng và mênh mang gió núi. Thật nghĩa tình, ly rượu nồng ấm chạm nhau không do dự. Những cựu binh già cùng cởi lòng, sẻ chia sau những ngày gian khó. Thật hạnh phúc họ gặp nhau hôm nay khi đất nước sau 43 năm thống nhất thì tuổi đời của các cựu binh giờ đây tất cả đã ngoài 70. Rưng rưng, cười trào nước mắt bởi những mái đầu sương trắng ngồi đây như mới hôm qua thôi họ háo hức hòa vào đoàn quân giải phóng trong độ tuổi trăng tròn. Bên tôi, ông Nguyễn Xuân Minh, 87 tuổi, nguyên Chánh Văn phòng Thị ủy Nha Trang, trước khi cất nhịp bài hát “Đất nước trọn niềm vui” ông nâng ly cùng đồng đội và nói to: “Nào, các đồng chí ơi! Hát khỏe và hào hùng lên nhé! Chúng ta hôm nay như đang mang sức sống tuổi 43”. Những người cựu binh hôm nay như muốn trở về một thời trai trẻ. Tiếng hát vẫn hùng hồn, nghiêm trang và cảm xúc vỡ òa như phút thiêng liêng náo nức giữa rừng cờ ngày đại thắng. Có một nữ biệt động mang tên một loài hoa, đó là bà Nguyễn Anh Đào mang mật danh C7 thuở nào. Bà là người đã đột nhập ném lựu đạn vào hang ổ của địch, tiêu diệt và làm thương vong 17 tên sĩ quan Mỹ và lính Hàn ở khách sạn Thắng Lợi - Nha Trang ngày ấy. Sự quả cảm ấy là tiếng vang lớn, gây chấn động dư luận báo chí trong và ngoài nước. Nhưng phút sinh tử ấy đã cướp đi đôi mắt đẹp của người con gái Sông Trà (Quảng Ngãi). Hôm nay bà đeo gương, choàng khăn rằn đứng giữa đồng đội cùng tốp cựu chiến binh đầu bạc. Họ là những chiến sĩ trinh sát, biệt động đã bao lần gan dạ, thầm len lỏi vào các sào huyệt của địch gây những tiếng nổ vang trời thuở nào. Giờ đây, họ đang hồn nhiên ôm đàn hát say sưa: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn” rồi “Ở hai đầu nỗi nhớ”… Dung dị, lắng sâu mà cháy bỏng. Đó là phẩm chất sáng trong vô ngần của các chị, các anh và cũng là của những người lính Bộ đội cụ Hồ.

 
Ngày 30-4, ngày hội lớn của những người con đất Việt. Mãi mãi ngày ấy là sợi dây bền chặt, gắn kết thủy chung. Điệp khúc quân hành ấy là hồn dân tộc luôn thôi thúc, ngân vang trong trái tim tuổi trẻ hôm nay và mai sau mãi tiếp bước cha anh lên đường cùng với dặm dài những mùa xuân đất nước...


DUY HOÀN