10:11, 05/11/2017

Giao thông vẫn còn ách tắc

Chiều 5-11, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, sau bão, tình hình giao thông cơ bản ổn định, các tuyến đường hầu hết thông suốt. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn nhất định ảnh hưởng đến quá trình lưu thông.

Chiều 5-11, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, sau bão, tình hình giao thông cơ bản ổn định, các tuyến đường hầu hết thông suốt. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn nhất định ảnh hưởng đến quá trình lưu thông.


Đường Nha Trang - Đà Lạt bị chia cắt


Trên tuyến Tỉnh lộ 8 (huyện Khánh Vĩnh), do người dân trồng keo dọc hai bên đường nên sau khi bão qua, cây đổ rạp xuống đường, gây khó khăn cho các phương tiện. Đến đầu giờ chiều 5-11, tuyến này mới chỉ lưu thông được một bên dành cho xe nhỏ, các phương tiện lớn chưa thể lưu thông. Sở đang yêu cầu các nhà thầu sớm đưa phương tiện, máy cắt đến giải tỏa cho đường đi thuận lợi. Bên cạnh đó, trên tuyến Tỉnh lộ 8B (Khánh Vĩnh), hiện nay còn 3 khu vực bị ngập sâu, đây là những khu vực tràn giao thông, gây khó khăn cho các phương tiện đi lại. Ông Nguyễn Công Định cho rằng, do lượng cây đổ rạp và bị bật gốc nằm ngổn ngang quá nhiều nên phải một vài ngày tới các phương tiện mới có thể lưu thông bình thường. Ngoài ra, trên một số tuyến do mưa bão nước ngập khiến mặt đường bị bong tróc, ảnh hưởng không nhỏ tới các phương tiện lưu thông.

 

Đường Nha Trang - Đà Lạt bị chia cắt

Đường Nha Trang - Đà Lạt bị chia cắt


Tuyến Quốc lộ 27C (đường Nha Trang - Đà Lạt) hiện nay không thể lưu thông được do đất đá sạt lở. Theo ông Tạ Thanh Tình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3, trên tuyến có 7 vị trí sạt lở từ Km53+900 - Km61+500; khối lượng đất đá, cây gỗ lớn sụt lở gây tràn kín rãnh dọc và toàn bộ mặt đường, khiến giao thông bị tê liệt từ 10 giờ ngày 4-11. Do khối lượng đất đá tràn xuống mặt đường quá lớn nên dự kiến phải mất từ 3 đến 5 ngày mới có thể hoàn tất việc hốt dọn. Hiện nay, do thời tiết diễn biến phức tạp nên chưa biết chính xác thời điểm thông xe. Bên cạnh đó, nhiều vị trí trên tuyến bị ổ gà xen lẫn bong bật, nứt dạng mai rùa khoảng 2.700m2; mặt đường hư hỏng nặng dạng sình lún dày trung bình 40cm: 305m2; đất, đá tràn mặt đường và lấp rãnh dọc, cống: 2.500m3; xói lở rãnh đất hơn 152,90m3; hư hỏng 25m hộ lan mềm, 70m mái taluy đá hộc xây… Ông Tình cho hay: Các nhà thầu duy tu, sửa chữa đã tập trung lực lượng để khắc phục. Dự báo thời tiết tại khu vực Khánh Vĩnh vẫn tiếp tục có mưa nên nguy cơ sạt lở vẫn tiếp diễn.


Đường sắt tê liệt


Đại diện Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh cho biết, tuyến đường sắt do đơn vị quản lý bị hư hỏng nhiều khu đoạn khác nhau với mức độ khá nghiêm trọng, trong đó tại Khánh Hòa có 2 vị trí bị hư hỏng nặng nhất là đoạn đèo Rù Rì và đoạn qua đèo Cả (phía giáp biển).


Đối với đoạn đèo Rù Rì, công ty đã huy động lực lượng nhân công tích cực khắc phục, đến đầu giờ chiều 5-11, đoạn đường bị hư hỏng đã cơ bản được khắc phục, thông tuyến. Tuy nhiên, tại khu vực đèo Cả, bão đã làm sạt lở hư hỏng một đoạn đường sắt khoảng 30m tại cửa hầm. Bên cạnh đó, cây cối ngã đổ ngổn ngang khiến cho khu vực này bị tắc hoàn toàn. Toàn bộ hành khách phải chuyển tải bằng xe ô tô.

 

Đường sắt tê liệt, ga Nha Trang vắng khách
Đường sắt tê liệt, ga Nha Trang vắng khách


Ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, đến khoảng 15 giờ, chi nhánh đã chuyển tải bằng ô tô hơn 1.000 hành khách từ cả hai phía ga Đại Lãnh (Khánh Hòa) và ga Hảo Sơn (Phú Yên). Chi phí chuyển tải ngành Đường sắt hỗ trợ toàn bộ. Việc đường sắt bị hư hỏng nặng sau bão gây tổn thất lớn, khó khăn cho việc vận tải hàng hóa và hành khách. Do khu vực đèo Cả hư hỏng nặng nên việc sửa chữa sẽ rất chậm và dự kiến phải hơn 1 tuần mới có thể hoàn thành.


Được biết, sau 2 ngày ngừng hoạt động. Đến ngày 5-11, hoạt động bay tại sân bay Cam Ranh trở lại bình thường.


THÀNH NAM