11:04, 21/04/2016

Xã Vĩnh Ngọc: Tìm cách gỡ khó cho nông dân

Mực nước sông Cái xuống thấp, bị nhiễm mặn, việc sản xuất cũng như đời sống của nông dân xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) đang gặp khó khăn, thu nhập giảm, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 (2016 - 2020) của xã.

Mực nước sông Cái xuống thấp, bị nhiễm mặn, việc sản xuất cũng như đời sống của nông dân xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) đang gặp khó khăn, thu nhập giảm, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 (2016 - 2020) của xã.


Ông Lê Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết, những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của xã bị thu hẹp dần, hiện chỉ còn 95ha đất trồng lúa, gần 8ha trồng rau màu. Thời gian qua, để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ chăn nuôi heo, bò, mua máy cày, máy gặt đập liên hợp, chăm sóc rau màu, phương tiện làm chiếu cói, làm gốm sứ, trồng sen… cho nông dân với số vốn vay lên đến hàng trăm triệu đồng. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người dân được nâng lên 23,764 triệu đồng/năm; toàn xã chỉ còn 54 hộ nghèo, chiếm 1,75%; tỷ lệ người dân có việc làm thường xuyên đạt hơn 98%. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014, đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 (2016 - 2020). Tuy nhiên, do tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng khiến nông dân gặp không ít khó khăn. “Nhiều hộ làm nông nghiệp trên địa bàn xã hiện nay gặp khó khăn do hạn hán, thiếu nước sản xuất lúa. Mực nước sông Cái xuống thấp, bị nhiễm mặn, không thể bơm tưới cho rau màu, cây ăn quả… đã ảnh hưởng đến yếu tố thu nhập bền vững của người dân”, ông Mỹ nói.

 

Ruộng sen ở thôn Ngọc Hội 1 nay đã cạn nước, héo lá
Ruộng sen ở thôn Ngọc Hội 1 nay đã cạn nước, héo lá


Ông Nguyễn Văn Chiến - Tổ trưởng Tổ liên kết trồng sen ở thôn Ngọc Hội 1 cho biết, mô hình liên kết trồng  sen của các hộ trong thôn được triển khai năm 2014, từng cho thu nhập khá. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, do hạn hán kéo dài nên toàn bộ ruộng sen có nguy cơ chết rất cao. “Ban đầu, mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ vay 20 triệu đồng để đầu tư cải tạo đất hoang trồng sen. Đến nay, nợ trả chưa hết mà sen đã bắt đầu héo khô. Chúng tôi dự định chuyển sang trồng hoa màu khác, nhưng đang loay hoay chưa biết trồng cây gì cho phù hợp với khô hạn”, ông Chiến nói.


Năm 2013, xã Vĩnh Ngọc hỗ trợ nông dân trồng thí điểm mô hình mua gốc ghép hoa hồng ở thôn Xuân Lạc, đang phát triển tốt. Vừa qua, số hoa hồng này cũng bị chết hết do người dân bơm phải nguồn nước bị nhiễm mặn từ sông Cái. Đặc biệt, 95ha đất chuyên canh lúa, tập trung chủ yếu ở đồng Xuân Lạc đã đến kỳ làm đất cho vụ hè thu nhưng không có nước, hiện nay, nông dân đang bỏ đồng trống. Các diện tích rau màu ven 2 bên sông Cái thuộc các thôn: Xuân Lạc, Xuân Ngọc, Ngọc Hội, Phú Nông Bắc đang đứng trước nguy cơ hư hại do nguồn nước tưới bị nhiễm mặn. Các hộ chăn nuôi bò cũng gặp khó vì nguồn thức ăn bị thu hẹp, do nguồn cỏ nội đồng đã chết và không thể trồng được cỏ mới vì thiếu nước.


Theo ông Mỹ, để đảm bảo thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020, nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng/năm, xã đang tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ nông dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Hiện nay, xã tập trung hỗ trợ nông dân trồng thí điểm mô hình phát triển cây nha đam tại thôn Xuân Lạc, nếu hiệu quả sẽ khuyến khích người dân nhân rộng. Bên cạnh đó, xã sẽ có kế hoạch tập huấn cho người dân chuyển đổi sang làm các ngành nghề như: trồng và chăm sóc hoa cây kiểng, làm dịch vụ du lịch, mở nhà hàng, quán ăn, buôn bán nhỏ phục vụ khách du dịch ven 2 bên bờ sông Cái. Song song đó, sẽ sắp xếp lại khâu tổ chức sản xuất, đầu tư vốn làm kênh mương nội đồng, đảm bảo tưới tiêu, duy trì diện tích 95ha lúa nước; vận động nông dân tận dụng đất vườn để trồng rau màu ngắn ngày; giới thiệu lao động vào làm dịch vụ tại các khu du lịch trên địa bàn.


M.T