11:11, 02/11/2015

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực

Từ khi thành lập huyện Cam Lâm đến nay, lãnh đạo địa phương luôn xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Từ khi thành lập huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đến nay, lãnh đạo địa phương luôn xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy địa phương phát triển nhanh và bền vững.


Giải quyết hợp lý công tác cán bộ


Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh năm 2007, năm 2008, chị Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1984, trú xã Cam Hải Tây, huyện cam Lâm) trúng tuyển vào Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện. Chị được cơ quan tạo điều kiện về thời gian để học văn bằng 2 tiếng Anh tại Trường Đại học Nha Trang, được hỗ trợ học phí học cao học chuyên ngành nông lâm tại tỉnh Ninh Thuận. Chị Trâm chia sẻ: “Được làm đúng chuyên môn, được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ là động lực quan trọng để những người trẻ như tôi phát triển. Điều này cũng khiến tôi muốn gắn bó lâu dài và cống hiến hết mình cho địa phương”.

 

Lao động làm việc tại cơ sở may công nghiệp thời trang
Lao động làm việc tại cơ sở may công nghiệp thời trang


Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết, hiện nay ở Cam Lâm, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đa số đều khá trẻ, năng động và nhiệt tình. Lãnh đạo khối cơ quan nhà nước của huyện trung bình ở độ tuổi 42. Do mới thành lập nên bên cạnh việc bố trí nhân lực trước mắt, UBND huyện còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn rà soát tiêu chuẩn CBCCVC để cử đi đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời yêu cầu CBCCVC xây dựng kế hoạch tự học tập, rèn luyện để chuẩn hóa cán bộ. Đến nay, 65% CBCC cấp huyện và 57% CBCC cấp xã có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; 116 CBCC cấp huyện và cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 5 CBCCVC được cử đi hoặc khuyến khích tự học sau đại học... Số CBCC có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 95%. 5 năm qua, huyện còn cung cấp 3 người cho đội ngũ cán bộ dài hạn của tỉnh. Bên cạnh đó, huyện cũng ưu tiên tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số đã nâng cao trình độ với việc bố trí hơn 10 cán bộ, giáo viên người dân tộc thiểu số vừa ra trường vào làm việc tại xã Sơn Tân và Suối Cát.  


Nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề  


Xác định giáo dục là cơ sở quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực lâu dài, hàng năm, huyện đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu là trường học, đồng thời xây dựng đội ngũ kế cận từ chính học sinh. Hiện nay, huyện có 12 em nằm trong diện quy hoạch đang được đào tạo cho lớp kế cận sau này. Huyện cũng cử tuyển 5 em người dân tộc thiểu số đi học đại học và trở về phục vụ tại địa phương.


Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, 5 năm trở lại đây, Cam Lâm là một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến cuối năm học 2014 - 2015, trong số 46 trường học trên địa bàn, có 39 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất, 31 trường đạt chuẩn quốc gia. Từ chỗ chỉ có gần 35% giáo viên và hơn 68% cán bộ quản lý đạt trình độ đào tạo trên chuẩn (năm học 2007 - 2008), đến nay, huyện có hơn 85% giáo viên và 100% cán bộ quản lý trên chuẩn. Năm học vừa qua, huyện có 3 giáo viên, 1 cán bộ thư viện giỏi cấp quốc gia, 55 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 7 học sinh giỏi quốc gia, 259 học sinh giỏi cấp tỉnh.


Cam Lâm cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh thí điểm thi tuyển hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS từ năm 2011. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của các trường từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Phạm Triệu Cường - Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết, 5 năm qua, huyện đã tổ chức tập huấn cho gần 100 điều tra viên và điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại hơn 23.000 hộ gia đình. Đến nay, đã có 11.300 lao động được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 29,74% lên 45%. Đó là chưa tính hơn 1.200 người được cập nhật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất, tập huấn khuyến công, nông, lâm...


Theo ông Nguyễn Trí Tuân, những năm qua, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của huyện đã chú trọng hơn về số lượng, chất lượng, cơ cấu, đảm bảo tính kế thừa và có bước phát triển mới. Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực bền vững, bên cạnh tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thu hút nhân tài, huyện cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, mở rộng quy mô đào tạo tại các cơ sở dạy nghề. Đồng thời, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng và chú trọng các dự án, chương trình phát triển làng nghề cho các hộ dân, các cơ sở dạy nghề thủ công, truyền thống...


TIỂU MAI - NGUYỄN KIM