11:11, 02/11/2015

Không chủ quan với cúm gia cầm

Vi rút cúm A/H5N6 xuất hiện tại phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Tuy các cơ quan chức năng và địa phương đã ngăn chặn thành công ổ bệnh nhưng người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch...

Vi rút cúm A/H5N6 xuất hiện tại phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Tuy các cơ quan chức năng và địa phương đã ngăn chặn thành công ổ bệnh nhưng người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch...


Ngăn chặn thành công ổ bệnh đầu tiên


Vừa qua, đàn vịt của gia đình ông Võ Sang (tổ dân phố Thanh Châu, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) bị bệnh và có một số con chết. Sau khi sử dụng kháng sinh, đàn vịt có dấu hiệu hồi phục. Tiếp đó, ông Sang tự tiêm phòng vắc xin dịch tả cho đàn vịt. Tuy nhiên, mấy ngày sau, đàn vịt lại tiếp tục bị chết. Ngay sau đó, Chi cục Thú y tỉnh đã kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện đàn vịt bị nhiễm vi rút cúm A/H5N6.

 

Nuôi vịt chạy đồng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh
Nuôi vịt chạy đồng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh


Theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, chủng vi rút này có độc lực rất cao. Và đây là lần đầu tiên xuất hiện chủng cúm này tại Khánh Hòa. Do đó, cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp chuyên môn để ngăn chặn như: tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc xin trong khu vực có ổ bệnh... UBND thị xã Ninh Hòa đã ra quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn vịt 2.500 con của gia đình ông Võ Sang. Đồng thời, giao chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn khoanh vùng, ngăn chặn bệnh cúm phát sinh.


Ông Nguyễn Thành Nhi, Chủ tịch UBND phường Ninh Giang cho biết: “Ngay khi phát hiện ổ bệnh, chúng tôi đã phun thuốc tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn phường liên tục 3 ngày. Đồng thời, gắn bảng thông báo cúm gia cầm tại các trục giao thông chính. Bên cạnh đó, phường liên tục tuyên truyền trên loa phát thanh địa phương để nâng cao ý thức người dân. Đến thời điểm này, thị xã Ninh Hòa không xuất hiện thêm ổ bệnh cúm gia cầm”.


Vẫn phải đề phòng


Sở dĩ việc ngăn chặn cúm A/H5N6 ở Ninh Giang kịp thời là nhờ lâu nay chính quyền và cơ quan chuyên môn đã có kế hoạch phòng, chống. Theo ông Nguyễn Lương Thao, Phó Chi cục Thú y tỉnh, tuy cúm A/H5N6 lần đầu tiên xuất hiện tại Ninh Hòa, song ngay từ đầu năm, ngành Thú y và chính quyền các cấp đã có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, khi phát hiện cúm gia cầm, tất cả đều làm theo kế hoạch, không bỡ ngỡ.

 

Ở Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N6 nào trên người song chủng vi rút này đã xuất hiện tại một số tỉnh phía bắc. Điều đáng lưu ý là kết quả xét nghiệm mẫu vi rút cúm A/H5N6 tại Việt Nam tương đồng đến 99% so với mẫu vi rút cúm A/H5N6 gây chết người lần đầu tiên tại Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Trước thông tin dịch bệnh, một số người dân có tâm lý hoang mang. Ông Nguyễn Thành Nhi cho biết: “Người dân không nên hoang mang vì vấn đề này nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, người dân cũng không được chủ quan trong việc phòng dịch. Bởi trong điều kiện hiện nay, các nguồn giống phần lớn đều nhập từ nơi khác về nên khó kiểm định dịch bệnh. Bên cạnh đó, đây cũng là mùa các đàn gia cầm chuyển vùng theo vụ lúa nên nguy cơ lây lan cũng rất cao”.  


Ông Đặng Cửu, Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Ninh Hòa cho rằng, tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ là cơ hội thuận lợi để cúm gia cầm lây lan, bùng phát. Tuy chưa ghi nhận ca bệnh gia cầm trên người nhưng không thể chủ quan bởi cho đến nay, đường lây lan và mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 vẫn tương đương với H5N1, trong khi gia cầm chưa miễn dịch với chủng virus cúm này.


Đình Lâm