09:11, 02/11/2015

Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp: Vẫn còn hạn chế

Kết quả đề tài "Nghiên cứu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại các doanh nghiệp  trên địa bàn tỉnh" do Thạc sĩ Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh làm chủ nhiệm cho thấy, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ở Khánh Hòa khá hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng mối quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định, tiến bộ tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh” do Thạc sĩ Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh làm chủ nhiệm cho thấy, QHLĐ trong các DN ở Khánh Hòa khá hài hòa, ổn định và tiến bộ.


Thực trạng quan hệ lao động


Theo khảo sát của các cấp công đoàn (CĐ), có khoảng 130.000 lao động thực tế làm việc tại các DN trong tỉnh. Khảo sát của đề tài cho thấy, về phía người sử dụng lao động, có 88,3% đánh giá mối quan hệ với người lao động (NLĐ) tốt, 96,6% đánh giá hoạt động CĐ cơ sở tại DN tốt và khá. Có tới 86% NLĐ đánh giá QHLĐ tại DN là tốt và khá; 82,5% NLĐ tin tưởng tìm đến tổ chức CĐ để kiến nghị giải quyết các vi phạm về quyền lợi của mình. 95,8% cán bộ CĐ cơ sở đánh giá QHLĐ tại DN là tốt và khá.


Qua khảo sát, số lao động trong độ tuổi 18 đến 49 chiếm 91,6%, số lao động làm đúng nghề chiếm 73,6%, 89,3% lao động có việc làm ổn định, 64,6% NLĐ không có nhu cầu làm thêm giờ, 97,7% NLĐ được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Về việc làm, tiền lương thu nhập và đời sống của NLĐ, theo khảo sát, có 16,8% NLĐ có tiền lương hàng tháng dưới 3 triệu đồng, 57,5% từ 3 đến 5 triệu đồng, 25,7% có lương tháng trên 5 triệu đồng; chỉ có 12,2% NLĐ phải thuê nhà trọ tư nhân.


Theo Thạc sĩ Nguyễn Hòa, đa số chủ DN và NLĐ đánh giá cao vai trò của CĐ cơ sở trong việc xây dựng mối quan hệ trong DN, thể hiện trong việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể; phối hợp tổ chức hội nghị NLĐ; thăm hỏi, động viên NLĐ; phối hợp tổ chức các hoạt động tinh thần, vui chơi giải trí cho NLĐ...


Còn những hạn chế


Kết quả nghiên cứu cho thấy, có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN: hiện tượng công nhân “nhảy việc” gia tăng; một bộ phận NLĐ không có chỗ ở ổn định; CĐ và DN chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí, văn hóa cho NLĐ. Đáng chú ý, tình hình tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc tập thể vẫn xảy ra. 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 33 cuộc đình công với khoảng 12.800 NLĐ tham gia. Các cuộc lãn công, đình công là tự phát, không đúng quy định pháp luật. CĐ cơ sở khi giải quyết tranh chấp lao động cũng bộc lộ nhiều hạn chế, một số chủ tịch CĐ cơ sở đã phát hiện được mâu thuẫn trong QHLĐ nhưng chưa mạnh dạn đề xuất với người sử dụng lao động hoặc đề xuất đối thoại để giải quyết kịp thời những bức xúc. Năng lực cán bộ CĐ cơ sở còn hạn chế. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh còn 73/380 DN có CĐ cơ sở chưa thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể; một số bản thỏa ước lao động tập thể còn mang tính hình thức, đối phó, phần lớn sao chép lại quy định của luật, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của NLĐ...


Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất 4 nhóm giải pháp nâng cao vai trò của CĐ, xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Đó là: nâng cao ý thức pháp luật cho các chủ thể trong QHLĐ; cải thiện điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập cho NLĐ; tăng cường đối thoại, thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; nâng cao chất lượng hoạt động CĐ cơ sở và đề xuất bộ tiêu chí chấm điểm đánh giá mức độ “QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN”.


Theo đánh giá của Hội đồng khoa học, đề tài đã cung cấp bộ tiêu chí làm cơ sở cho các cấp, ngành, DN có sự thống nhất trong đánh giá tình hình QHLĐ trong DN trên địa bàn tỉnh. Đề tài đề xuất được một số giải pháp khả thi để xây dựng mối QHLĐ trong DN hài hòa, ổn định, tiến bộ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Khiết, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các giải pháp còn chung chung, ít có điểm nhấn của Khánh Hòa; nên đề cập đến các giải pháp như: phát huy các giải pháp đang thực hiện để ít nhất giữ được mức độ hài hòa, ổn định, tiến bộ như hiện trạng; giải pháp nhằm ngăn ngừa xảy ra vi phạm, tranh chấp...; giải pháp nhằm xử lý, giải quyết khi xảy ra vi phạm, tranh chấp... Trong đó, vấn đề trọng tâm cần nhấn mạnh là giải pháp nhằm thực hiện đúng vai trò của CĐ trong QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ, nhất là vai trò tổ chức thương lượng, đối thoại, khiếu kiện... Đây là “vũ khí” của CĐ để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, qua đó mới có thể tập hợp được NLĐ vào tổ chức CĐ.


N.D