11:09, 03/09/2019

Nét chữ nết người…

Ngày trước các cụ có câu "Nét chữ, nết người", ý các cụ muốn nói con người tính nết sao thì thể hiện qua nét chữ... Quan niệm thế nên ngày xưa đi học, học trò được rèn chữ viết rất kỹ. Thời còn học chữ Nho, có khi cả buổi sáng trò chỉ tô có một chữ cho đúng ý thầy. 

Ngày trước các cụ có câu “Nét chữ, nết người”, ý các cụ muốn nói con người tính nết sao thì thể hiện qua nét chữ... Quan niệm thế nên ngày xưa đi học, học trò được rèn chữ viết rất kỹ. Thời còn học chữ Nho, có khi cả buổi sáng trò chỉ tô có một chữ cho đúng ý thầy. Khi sang chữ quốc ngữ cũng vậy, thầy cô rèn viết chữ bằng ngòi bút lá tre ghê lắm, nên hầu như chữ ai cũng đẹp, rõ ràng. Nhìn chung là thế hệ đi học trước khi ngành giáo dục cải cách chữ Việt chữ đều đẹp.


Nói vậy để tự an ủi cho mình vì chữ viết... ngày càng xấu. Ngày ấy đi học, học trò suốt những năm tiểu học phải viết bằng bút lá tre, chấm lọ mực mang theo. Nét chữ khi sổ thì đậm, chỗ lượn thì mềm mại mỏng manh. Nhiều người viết chữ đẹp đều tăm tắp, mà mọi người vẫn khen là chữ để viết... huy chương. Lên cấp 2 mới được dùng bút máy. Ngày nay tiện lợi với cây bút bi, chỉ một nét tròn trùng trục, viết được con chữ ngay ngắn đã là mừng. Rồi một thời cải cách, chữ viết chỉ có nét thẳng, mất nét lượn… Đã vậy, thế hệ ngày nay văn bản mấy ai viết tay, toàn gõ phím ào ào, đụng đến cây bút là mỏi cứng tay, biểu sao viết cho đẹp mà nết với na cái nỗi gì.

 


Thực ra câu “Nét chữ nết người”, chữ các cụ nói ở đây phải hiểu là chữ Hán - Nôm mà mình vẫn quen miệng gọi là chữ Nho, thứ chữ tượng hình ngày xưa. Bản thân mỗi con chữ đã là bố cục hoàn hảo, nét chữ ngang ngay, sổ thẳng, rồi chấm, phá... Các danh sĩ đời xưa thơ phú phải đi liền với chữ viết, người có hùng tâm thì nét chữ cứng cỏi,  người mơ mộng thì nét chữ yểu điệu.... Chữ viết đẹp được các cụ ví như rồng bay phượng múa. Nét chữ nết người là vậy!


Bên xứ Trung Hoa thời cổ, viết chữ đẹp được nâng lên thành một nghệ thuật, đó là nghệ thuật thư pháp. Thư pháp trong hàm nghĩa sâu xa còn là phương tiện để biểu hiện tâm, ý, khí, lực của người dụng bút. Nói đến thư pháp phải nói đến Đại danh nhân Vương Hy Chi (303 - 361) thời Đông Tấn, người đời sau phong ông là Thư thánh! Ông trong một phút cao hứng đã để lại cho đời sau kiệt tác Lan Đình tập tự được người đời ví như ánh quang của mặt trời, dịu mát của mặt trăng. Kiệt tác được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”, là biểu tượng của nghệ thuật thư pháp Trung Hoa, đến ngàn năm sau hậu thế vẫn thán phục.


Đấy là chống chế cho mình mà nói thế, chứ thiên hạ vẫn chuộng viết chữ đẹp. Trong thành phố có rất nhiều trung tâm luyện chữ đẹp. Một cách cổ súy cho viết chữ đẹp là nhiều người vẫn chơi thư pháp. Ngày xưa thư pháp bằng chữ tượng hình Hán Nôm, nay chữ cái abc... người ta cũng chơi. Cũng có những triển lãm thư pháp này nọ và rất đông người đến xem, xin thầy chữ Lộc, chữ Nhẫn hoặc chữ Phú... Chỉ có điều riêng kẻ thủ cựu này chả nhìn thấy các bức thư pháp ấy đẹp gì. Thư pháp viết bằng chữ quốc ngữ, nhìn một hồi thú thật thấy như... tô mì gói, cứ xoăn tít lại(!)


Cũng lại chống chế nữa cho cái tội chữ xấu của mình, ấy là có một giới được định danh là chữ xấu - “chữ bác sĩ”. Thế nhưng, đây lại là những người học giỏi nhất so với cùng lứa. Học trò khi thi đại học, có ai quên được câu phân loại trường: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa…”.


Thế thì câu “Nét chữ, nết người” có vẻ lạc hậu. Chỉ có điều nên nhớ là các cô tú, cậu tú làm bài thi mà thầy giám khảo luận mãi chả hiểu đấy là chữ gì, hay các cô cử, cậu cử khi viết đơn xin việc mà các sếp dịch chả ra cái mớ gà bới kia viết gì thì...


Thủy Ngân