11:08, 23/08/2019

Ngày đầu tiên đi học

Bao nhiêu thế hệ các cô nhóc, cậu nhóc và cả các ông bố, bà mẹ trẻ đã thuộc lòng giai điệu: "Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường, em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương…". Một giai điệu trong trẻo, đánh dấu sự kiện quan trọng nhất của đời một con người - ngày đầu tiên đến trường, bắt đầu cho sự học suốt đời mình.

Bao nhiêu thế hệ các cô nhóc, cậu nhóc và cả các ông bố, bà mẹ trẻ đã thuộc lòng giai điệu: “Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường, em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương…”. Một giai điệu trong trẻo, đánh dấu sự kiện quan trọng nhất của đời một con người - ngày đầu tiên đến trường, bắt đầu cho sự học suốt đời mình.


Đến tuổi thì phải đến trường đi học, điều đó bây giờ trở thành đương nhiên đối với mỗi cậu nhóc, cô nhóc. Quyền được đi học của trẻ đã được luật pháp quy định. Chỉ có những ai bất hạnh lắm, tuổi thơ mới không được cắp sách đến trường. Kỷ niệm ngày đầu đến trường luôn sâu đậm trong mỗi tâm hồn tuổi thơ, nhiều khi đi theo ta suốt cả cuộc đời…


Thế hệ lớn tuổi, hỏi có ai quên được áng văn trong veo của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường” và “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.


Có một thế hệ trung tuổi hơn, đến trường khi đất nước còn bom rơi đạn nổ trên cả hai miền lại nhớ về ngày đi học đầu tiên theo cách khác. Thuở ấy, ở các tỉnh phía bắc học hệ 10 năm, trước khi vào lớp Một thì có học vỡ lòng một năm (vậy nên trong xã hội mới có từ “bài học vỡ lòng” để chỉ những gì va vấp lần đầu trong đời). Lớp học vỡ lòng thường do các xóm tổ chức ở nhà kho của hợp tác xã, hoặc mượn chái đình, sân chùa… Thầy cô cũng chỉ là người có chút chữ nghĩa trong xóm được xã cử đứng lớp.


Ngày ấy có chú nhóc 6 tuổi, lần đầu được chị gái đưa đến lớp vỡ lòng. Trước đó mấy tháng, chị gái chơi trò dạy học, chú cũng biết võ vẽ dăm ba chữ. Cô giáo là cô Ba hàng xóm nhà bên, chú nhóc qua trèo cây trong vườn nhà cô suốt các buổi trưa. Bạn bè toàn mấy đứa bạn bắn bi, đánh đáo trong xóm, rượt đuổi đánh lộn cả ngày… Ấy vậy mà đến lớp vẫn run lập cập, bám tay chị thật chặt. Chị đưa chú vào lớp rồi quày quả về giúp mẹ công việc, chả có phút giây nào lãng mạn như trong đoạn văn của Thanh Tịnh cả, vậy mà cứ nhớ, cứ thương mãi buổi đầu ấy. Bao nhiêu năm vẫn nhớ bài học đầu tiên là chữ “o, a” với hình minh họa là chú gà trống đỏ chói rướn cổ gáy ò ó o… và cái ca uống nước!


Hết một năm vỡ lòng trong xóm, đọc thông, viết thạo rồi năm sau cũng được vào lớp Một trường xã. Khi này chú nhóc đã dạn dĩ nên mẹ và chị không phải đưa tới trường nữa. Chú nhóc áo mới, quần mới đi cùng đám bạn vỡ lòng, tay túi xách, tay cầm lọ mực tự đi nhận lớp. Sách giáo khoa hồi đó chỉ có 2 cuốn là Tập đọc và Toán. Bài học đầu tiên, lạ kỳ thay đã bao nhiêu chục năm đi qua nhưng cứ nhớ như in trong đầu: “Con chích chòe đậu xuống cành bưởi cạnh cửa sổ, nó hót lên một hồi dài như muốn đánh thức em dậy. Nhưng chích chòe nhầm rồi, hôm nay là ngày khai trường, em dậy sớm hơn cả chích chòe. Em mặc quần áo mới, tay xách chiếc cặp mới. Mẹ đưa em đến trường. Cô giáo tươi cười đón em vào lớp”.


Ôi cái bài học mở đầu, giờ nhìn lại chả thấy gì đặc sắc mà sao cứ neo chặt trong tâm hồn bao nhiêu năm. Như những vệt mực tím vụng dại để loang trên trang vở trắng, chả cách nào tẩy được.


Mỗi năm vào dịp đầu tháng 9, chú nhóc năm xưa mỗi khi bắt gặp các cô cậu học trò nhộn nhịp đi dự lễ khai trường, lòng lại thấy bồi hồi với nỗi niềm khó diễn tả. Ngỡ như thấy lại mình ngày ấy, cố tự cứng cỏi mà đi đến trường…


Thủy Ngân

 


Mùa tựu trường, mùa của các cô cậu học trò nhỏ xúng xính màu áo trắng quần xanh đến lớp. Ấy vậy mà vẫn có nỗi nôn nao của đôi bóng người tóc đã nhuốm hai màu nhìn đám học trò bỗng nhớ về một thời tuổi nhỏ chị dắt tay đến lớp. Ấy vậy mà vẫn có cái nhìn tinh khôi của cô giáo nhà bên cũng náo nức theo trò. Cái rộn rã ấy, ngày xưa - bây giờ đều như nhau cả. Ấy là đầy những trong veo. Đầy những ngát hương!