12:08, 03/08/2019

Lời hứa

Một buổi sáng, trời trong xanh, ánh nắng ấm áp xuyên qua lớp học. Trong phòng, anh - thầy giáo trẻ mới ra trường, ngồi trên bục giảng. Ở bên dưới, học sinh cắm cúi làm bài tập làm văn. Anh nhìn các học trò của mình, mỗi đứa một nét mặt ngây thơ, hồn nhiên. Anh nhìn ra cửa sổ, xa xa cánh đồng mía xanh rì, thấp thoáng những bóng người đang thu hoạch mía. Bỗng dưng anh nhớ đến quê mình, nhớ thời niên thiếu…

Một buổi sáng, trời trong xanh, ánh nắng ấm áp xuyên qua lớp học. Trong phòng, anh - thầy giáo trẻ mới ra trường, ngồi trên bục giảng. Ở bên dưới, học sinh cắm cúi làm bài tập làm văn. Anh nhìn các học trò của mình, mỗi đứa một nét mặt ngây thơ, hồn nhiên. Anh nhìn ra cửa sổ, xa xa cánh đồng mía xanh rì, thấp thoáng những bóng người đang thu hoạch mía. Bỗng dưng anh nhớ đến quê mình, nhớ thời niên thiếu…


Thuở nhỏ, ở quê, gia đình anh thuộc diện mẹ góa con côi, một mình mẹ nuôi 4 đứa con nhỏ, nghèo nhất xóm. Ban đầu căn nhà tranh vách đất, nền cũng đất. Căn nhà này là nhờ hàng xóm làm cho, người giúp vài gánh tranh, người giúp ít tre rơm… rồi xúm xít vào làm khoảng một tuần là xong. Về sau lâu ngày tranh mục, nhà dột, bấy giờ anh chị em đã lớn hơn nên quyết định xây căn nhà khác, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Ấy là căn nhà bằng mái tôn, tường gạch xây chưa tô, chưa có cánh cửa sổ, nền láng xi măng. Mái tôn được mua rẻ lại từ cái trang trại người ta giải thể, tôn cũ Mỹ cứng và bền, nhưng đã qua nhiều người dùng, có nhiều lỗ đinh. Thợ lợp nhà bày lấy vải với dầu hắc trám lại các lỗ đinh, sẽ giống y chang tôn mới. Đúng vậy, thời gian đầu không sao cả. Rồi hè tới, trời nắng nóng, dầu hắc chảy ra trống các lỗ đinh. Mùa mưa đến, trong nhà lại dột đủ nơi…


Cuộc sống khó khăn, trong nhà anh chị em đều học đến lớp 9 rồi nghỉ học, lang bạt đi làm thuê khắp nơi. Riêng anh con út, còn nhỏ nên được ưu ái đi học tiếp. Anh học không giỏi nhưng cần cù. Anh cố gắng học vì nghĩ nhà mình nghèo, chỉ đi học mới có cơ hội tiến thân. Từ nhỏ anh đã rất yêu nghề giáo. Anh nhớ năm đó học lớp 11, buổi tối, thấy anh học khuya quá, mẹ nấu cháo đậu xanh mang lên cho anh ăn. Mẹ đứng gần bên, quan tâm hỏi: “Lớn lên con thích làm nghề gì?”. Anh nhanh nhảu nói: “Con thích làm thầy giáo. Nghề giáo cao quý nhất trong những nghề cao quý… ”.


Mẹ chậm rãi: “Ừ, nghề nào con thích, nghề ấy mẹ yêu!”.


Cùng xóm với anh có thằng Tèo. Anh và nó học chung từ lớp một, đều hoàn cảnh nghèo. Đến năm cấp ba, Tèo nghỉ học, đi làm thuê làm mướn, phụ giúp gia đình. Năm nào đến mùa hè, Tèo cũng rủ anh đi nhận khoán hay làm thuê, đủ thứ việc như: phát mía, lẹm mì, cắt lúa, nhổ sắn nước… Làm được bao nhiêu tiền, anh đều đưa cho mẹ mua quần áo, sách vở để hết hè vô học. Năm anh thi đậu Đại học Sư phạm cũng là lúc Tèo học nghề sơn sửa xe đạp.


Ở thành phố, anh chị mỗi người đóng góp cho em ít trăm ngàn đồng nhưng lúc có lúc không, hầu như tháng nào cũng thiếu. Anh phải làm thêm nhiều việc như: bán cà phê, gia sư, phụ nhà hàng tiệc cưới. Mỗi lần về quê thấy nhà cửa sơ sài, mẹ gầy đi, bao năm vẫn mặc chiếc áo bạc màu đó, lòng anh xót xa. Anh muốn giúp đỡ mẹ nhưng chẳng biết làm thế nào. Hôm anh lên thành phố, mẹ nhét trong túi anh mấy trăm nghìn đồng và chuẩn bị những thứ lỉnh kỉnh, nào gạo, bầu bí, đu đủ..  Ngồi trên chuyến xe về thành phố, nghĩ mẹ chắt chiu lo lắng cho con từng thứ, nước mắt anh chực trào ra. Anh thầm hứa học xong, đi làm có tiền sẽ phụ giúp gia đình, đỡ đần cho mẹ phần nào.  


 Ra trường, anh nhận nhiệm sở ở miền núi. Lương giáo viên cũng không dư dả gì. Anh càng chắt chiu, tằn tiện hơn, tự nhủ: cái chính là anh đã thực hiện được mơ ước từ nhỏ của mình, được đứng trên bục giảng, dạy học.


Cuối tuần, anh thường chạy xe máy về thăm nhà. Chiếc xe này cũng là của anh chị em cho mượn tiền mua để tiện đi làm. Ở nhà, cảnh vật bao năm vẫn như cũ, chỉ có điều mẹ ngày càng lớn tuổi, anh muốn có tiền để lo cho mẹ song chẳng biết làm gì hơn. Ở quê, những người bạn học cùng lứa đa phần ở lại thành phố. Thằng Tèo vẫn ở quê nhưng giờ đây nó thuộc diện khá giả. Ban đầu, nó thuê mảnh đất nhỏ ở ngã ba đầu làng, mở tiệm hàn gió đá, sơn sửa xe đạp. Vừa làm nghề, nó vừa mua xe cũ, sơn sửa bán lại kiếm lời. Rồi nó chuyển sang làm cửa sắt. Mảnh đất thuê mở tiệm ngày nào, giờ nó đã mua lại, xây cất thành cái tiệm lớn khang trang. Trong tiệm, luôn có mấy đứa học trò theo học nghề. Hàng tháng, ngoài tiền để dành riêng cho mình, nó còn cấp tiền lo cho cha mẹ.


Mỗi lần biết anh về nhà, Tèo thường qua rủ anh đi cà phê. Một lần, hai đứa ngồi với nhau, Tèo hỏi thăm cuộc sống của anh, bởi từ ngày đi làm, nó chẳng thấy anh sắm sửa gì cho gia đình. Rồi nó nói với anh về lòng hiếu thảo, về bài học trách nhiệm. Anh biết nó nói thật lòng nên không giận. Chợt nhớ lại lời hứa ngày nào, giờ vẫn chưa thực hiện được, anh cảm thấy xấu hổ với bản thân vô cùng.

 
* * *


Đến giờ ra chơi, anh ngồi luôn trong lớp học, chờ dạy giúp đồng nghiệp hai tiết sau. Dưới lớp, có mấy em không ra ngoài chơi ngồi rù rì, nhỏ to với nhau: “Thầy giảng bài hay ghê!”. Một em với giọng lên hỏi:


-  Thầy ơi, quê thầy ở đâu vậy?


-  Cách đây 50km.


-  Sao thầy không dạy gần nhà, lên đây chi cho xa xôi?


- Thầy muốn truyền đạt kiến thức của mình cho các bạn miền núi.


Anh hỏi lại:


- Lớn lên các em thích làm nghề gì?


-  Dạ, nghề giáo.


-  Vì sao?


Một em nhanh nhảu, giống như anh trả lời với mẹ ngày nào:


- Vì nghề giáo là người thầm lặng đưa đò, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý!…


Anh ngập ngừng, im lặng... Rồi giây lát sau, anh đứng lên, đến ôm lấy vai cậu học trò nhỏ trong sự ngỡ ngàng của nó. Anh thấy giọng mình run lên, nhưng quả quyết, nói với trò mà như nói với chính mình:


- Đúng vậy! Thầy cảm ơn em!


Truyện ngắn của Lê Đức Quang