09:07, 16/07/2019

Nhường cho người

Thuở nhỏ ở quê, cuộc sống khó khăn, mỗi lần đi chợ về, mẹ thường mua bịch chè, cái bánh, những món quà vặt quê rẻ tiền. Mấy đứa con nhỏ ở nhà luôn trông ngóng, nhắm chừng gần đến giờ mẹ về là ra ngõ ngồi đợi. Thấp thoáng thấy bóng mẹ ở đầu đường, mấy đứa con chạy ra đón, ríu ra ríu rít cùng mẹ vào nhà.

Thuở nhỏ ở quê, cuộc sống khó khăn, mỗi lần đi chợ về, mẹ thường mua bịch chè, cái bánh, những món quà vặt quê rẻ tiền. Mấy đứa con nhỏ ở nhà luôn trông ngóng, nhắm chừng gần đến giờ mẹ về là ra ngõ ngồi đợi. Thấp thoáng thấy bóng mẹ ở đầu đường, mấy đứa con chạy ra đón, ríu ra ríu rít cùng mẹ vào nhà. Lần nào cũng vậy, nếu như mua bịch chè, viên kẹo, những món ăn chia phần dễ dàng thì không sao; nhưng những món như bánh ướt, bánh xèo, thể nào anh em cũng giành nhau ăn. Mỗi lần như thế, mẹ hay khẻ tay anh lớn, la: “Con là anh, con phải nhường nhịn em nhỏ chứ?”. Rồi mẹ lại quay sang khẻ tay đứa em:“ Con còn nhỏ, luôn được cha mẹ yêu chiều, con phải biết nhường nhịn anh mình chứ?”. Rốt cuộc, đứa nào mẹ cũng la, cũng đánh.


Dần dần lớn lên, ngoài được dạy ở trường học, ở nhà, mẹ dạy các con lễ phép trong cách ăn uống, cũng như nhường nhịn trong cuộc sống. Ở chỗ đông người như cưới, hỏi, đám giỗ, chờ người lớn gắp thức ăn trước mình mới được gắp… Một lần, anh hỏi mẹ: “Người ta ăn hết phần ngon, lấy gì mình ăn?”. Mẹ bảo: “Con nhịn một chút, không mất gì đâu. Trong cuộc sống, con phải biết nhường cho người…”. Chính vì vậy, sau này lớn lên bươi chải giữa dòng đời, anh luôn nhường nhịn và được bạn bè yêu thương, quý mến. 


Mấy lần anh ăn uống, nhậu chung với bạn bè. Có bạn trẻ uống ngà ngà say, bảo: “Có nhiều người lạ thật, nghèo mà bày đặt làm sang. Ăn uống, cứ gần đến những miếng cuối cùng, thường ngại không ăn nữa, dù còn thèm, còn đói. Cuối cùng số thức ăn thừa đó dọn đi, tiếc thật!…”. Có bạn khác đồng tình: “Đúng vậy, như thế phí phạm, không văn minh…”. Thực ra, số thức ăn đó không phí phạm, mà được nhân viên đưa xuống bếp để dành cho heo, gà... Với anh, đó là một nét văn hóa hay: Dù anh còn muốn ăn, nhưng vẫn lo lắng cho bạn cần hơn, đói hơn, nên nhường cho người!…


LÊ ĐỨC QUANG