10:12, 14/12/2018

Những yêu thương kể lại

Bạn kể, một buổi tối trời se lạnh, cuộn tròn người trong chiếc chăn ấm, đứa trẻ 9 tuổi nhà bạn bỗng thủ thỉ rằng, giờ con biết rồi mẹ ạ, người ta chụp ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc, những kỷ niệm đẹp, thời ấu thơ mà sau này chúng ta không tìm lại được, bởi thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Là nội nói với con vậy đó. Hồi nhỏ, mỗi lần ba mẹ bảo chụp ảnh, con cứ lắc đầu hoài. Giờ đi đâu con cũng sẽ chụp lại ảnh, mẹ nhé!

Bạn kể, một buổi tối trời se lạnh, cuộn tròn người trong chiếc chăn ấm, đứa trẻ 9 tuổi nhà bạn bỗng thủ thỉ rằng, giờ con biết rồi mẹ ạ, người ta chụp ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc, những kỷ niệm đẹp, thời ấu thơ mà sau này chúng ta không tìm lại được, bởi thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Là nội nói với con vậy đó. Hồi nhỏ, mỗi lần ba mẹ bảo chụp ảnh, con cứ lắc đầu hoài. Giờ đi đâu con cũng sẽ chụp lại ảnh, mẹ nhé!

 

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.


Lúc ấy, bạn chợt ngẩn người. Con sinh ra đã thuộc thời công nghệ số, ảnh của con, bạn hầu như chỉ lưu ở smartphone, ở mail cá nhân. Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để kể một phần tuổi thơ của con. Đây lúc con còn ẵm ngửa. Ảnh này con ngủ vùi trên vai nội. Nội hay ru Kiều con nghe đó. Tấm này là lúc con biết lật. Rồi đến thôi nôi con. Ảnh con lúc 2, 3 tuổi, ba mẹ đều lưu lại cả. 4 tuổi con theo ba mẹ về quê nội, nơi có căn nhà mái ngói rêu phong ấy. Con luôn thích đi xe đạp quanh cái sân xi măng rộng. Con thích cùng nội đi bắt cào cào làm mồi câu cá ở bến sông trước nhà mình. Con thích khều những quả chín và cả quả xanh trong vườn rồi lon ton chạy lại nhặt... À, có cả ảnh chụp ngày con vào lớp 1 với khuôn mặt bỡ ngỡ nhưng cũng đầy háo hức. Đây tấm ảnh cô giáo gửi cho mẹ qua zalo khi con đang chào cờ trong lớp, khi con kết nạp vào Đội... Con cứ lớn mỗi ngày mà nội, mà ba mẹ mỗi ngày thêm những nếp hằn thời gian.


Khi ấy, bạn đã kể cho con nghe câu chuyện của những bức ảnh. Câu chuyện kể bằng những cuốn album đã cũ lắm rồi trong góc tủ của gia đình bạn. Này bức ảnh chụp căn nhà cũ của ông cố nội ngày xưa ấy. Đây gọi là mái ngói rêu phong. Đây là bậc thềm nhà. Xa hơn chút là nọc rơm vàng, trước nữa là ruộng ngô đồng. Con có nhớ năm nào theo ba mẹ cùng nội về quê không. Hồi xưa căn nhà ở đấy. Nay căn nhà ấy đã được xây mới nên con không nhận ra là phải. Tấm kia chụp góc bếp mảnh sân ở quê, nơi bà cố mỗi sớm xách làn đi chợ, mỗi chiều băm rau lang cho gà. Cuộc sống ngày xưa thật bình dị, bà cố làm nông, trồng thêm vườn rau, thả đàn gà, còn ông cố bốc thuốc chữa bệnh cho người. Cố chỉ mong con cháu mãi vẫn kề bên sớm tối. Những bức ảnh đều ghi dấu thời gian, địa điểm ở phía sau. Ba con kể, ba ở xa nên mỗi lần về quê, nội lại gọi cô Hiên ở đầu xóm qua nhà chụp giùm mấy tấm ảnh khi gia đình đông đủ, nhất là ngày Tết...


Những điều con bảo sẽ chẳng bao giờ trở lại, tìm lại được - tuổi thơ của con, của mọi người là ở đấy chứ đâu, trong những bức ảnh đã nhòe, đã ngả vàng.


Tuổi thơ, tuổi thanh xuân của bạn cũng quẩn quanh trong những bức ảnh ấy chứ đâu.


Bạn bảo, những lời thủ thỉ của con nhắc nhớ về những yêu thương bạn đã từng có trong cuộc đời. Ấy là khi bạn nhìn lên tường nhà có treo mấy bức hình của mẹ. Chẳng xa xôi lắm đâu - nụ cười móm mém của mẹ bữa mùng 5 Tết vừa rồi. Nụ cười trong những tấm ảnh lần đầu bạn chụp cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ chịu đi chơi xa đến thế, chụp ảnh nhiều ơi là nhiều, với hoa cỏ, với vườn cà, vườn đậu đũa. Cũng có mấy tấm bạn nhìn mà mắt chợt nhòe đi, không biết bởi những tấm hình mẹ chụp bạn cứ nhòe đi trong đôi tay run run của người già lần đầu tiên loay hoay cầm máy hay vì một lẽ khác. Mẹ bảo từ nhỏ đến giờ mẹ mới có mấy tấm hình đẹp vậy, thế nên bạn phóng to ảnh, mua khung treo lên tường. Đơn giản chỉ để ngày nào cũng nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của mẹ. Rạng rỡ của những yêu thương vẫn còn mãi.


Vậy thì bạn à, hãy cứ lưu giữ những khoảnh khắc để nâng niu những yêu thương trong mình khi còn có thể. Như mới hôm qua thôi, bạn cũng đã có những yêu thương như thế, trong một buổi tối cuối năm se lạnh nằm kể cho con nghe những câu chuyện đời qua những bức ảnh, những cuốn album đã ố vàng.


G.C