10:11, 30/11/2018

Mùa dã quỳ

Có những loài hoa gắn liền với kỷ niệm và mỗi mùa hoa nở, màu hoa lại khơi bùng lên những kỷ niệm trong ta.

Có những loài hoa gắn liền với kỷ niệm và mỗi mùa hoa nở, màu hoa lại khơi bùng lên những kỷ niệm trong ta.


Cứ mỗi khi tháng 11 đến, trời cao nguyên trong xanh vời vợi. Và gió ngàn cứ lồng lộng thổi những cánh lá rào rạt muôn vàn con sóng chập chờn, thì hoa dã quỳ lại bắt đầu nở. Màu vàng tươi kiêu hãnh của nó cứ lặng thầm chiếm giữ hồn người và thành nỗi ám ảnh da diết khôn nguôi.

 


Đã có một người trai trẻ nào đến cao nguyên vào mùa dã quỳ năm ấy. Phút gặp gỡ ban đầu, cao nguyên rợp màu hoa vàng đã chiếm trọn con tim bởi những thổn thức bồi hồi. Hơn hai chục năm sống xa quê, thấy thương sao những chiều nắng vàng loang trên ngõ vắng, phía ngoài kia con đường đất đỏ xuyên qua hai triền dã quỳ vàng rực. Một cơn gió phóng khoáng ào qua. Lớp bụi đỏ cao nguyên tung mù mịt như đàn ngựa dũng mãnh sải vó trên thảo nguyên bao la. Cơn gió qua đi, khi lớp bụi đỏ đang dần tan loãng, những bông dã quỳ lại đang lặng lẽ vươn lên, lắc lư theo một vũ điệu của riêng mình. Hình ảnh những bông dã quỳ mộc mạc đơn sơ mà kiên cường ấy làm ta nao lòng và thêm yêu mến thiết tha mảnh đất bao la hùng vĩ này.


Một điều dễ thấy nữa là dã quỳ thường mọc và nở những nơi bình dị nhất: ven đường, vạt đồi hay ven lô cao su, rẫy cà phê. Những nơi chỉ có đất cằn và sỏi đá. Dã quỳ cứ thân này đan qua thân kia, rễ xoắn xuýt vào nhau, đã vậy thân và nhựa cây lại có vị đắng, nên chả loại cây nào chen nổi. Một mình nó cứ âm thầm bền bỉ vươn lên. Khi mùa khô bắt đầu, các loại cây cỏ ở Tây Nguyên cũng dần “chín” theo thời tiết thì dã quỳ bung nở để hiến tặng cho đời vẻ đẹp riêng mình.


Những năm gần đây, dã quỳ dần hiếm đi. Bởi vì đất đai đang bị con người tận dụng khai phá để trồng các loại hoa màu. Những rặng dã quỳ um tùm rậm rạp hai bên ven đường, nay chỉ còn loáng thoáng, hay đôi chỗ lốm đốm đôi vạt. Nhất là khi cuối mùa khô, dã quỳ bắt đầu thưa thớt hoa. Dần dần không chỉ những đài hoa mà thân cây cũng bị heo héo trong cái nắng tháng ba, lá rụng xuống gốc khô nỏ, kêu lạp xạp dưới gót chân người. Cứ thế hết lớp lá này đến lớp lá khác rơi chồng lên nhau đầy dưới gốc. Rồi các thân cây cũng khô và lụi hết. Chỉ còn lại gốc cây với bộ rễ nằm im dưới lớp lá dày kia, đợi đến khi mưa về sẽ bật lên những mầm non đầu tiên để rồi lớn lên nhanh chóng cho đến khi bung nở hoa vàng của một mùa sau.


Những lần đi qua khúc đường ngày xưa vàng rực dã quỳ mà nay thưa bóng, chợt thấy lòng có chút bâng khuâng. Còn đâu những bông hoa như những vầng mặt trời nhỏ vẫn hằng nép bên nhau mà hát khúc ca không lời của xứ sở Tây Nguyên? Tôi rất thích từ “hồn lau” trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Từ ấy gợi lên hình ảnh những bông hoa lau nép bên nhau, dựa vào nhau, phất phơ trong gió, và những dập dờn của làn sóng hoa lau ấy có tiếng nói riêng, đời sống riêng của nó. Dã quỳ cũng vậy. Dẫu chỉ là cây cỏ, nhưng mọc lên trên miền đất Tây Nguyên, nó đã trở thành một thực thể có hồn, làm nên dấu ấn riêng cho miền đất này. Cây hoa mọc trên đất cằn với mùi hương đắng đắng của mình không ngờ cũng in sâu trong lòng những người con sinh ra từ mảnh đất này hay từ muôn nơi đến đây lập nghiệp mà coi như là quê hương yêu dấu thứ hai của đời mình.


Ở một vài khu du lịch sinh thái, bên cạnh sự hiện diện của các loài hoa lạ, quý hiếm, thì cũng đã có dã quỳ. Cách đây chừng chục năm thôi, nếu nói “trồng dã quỳ” chắc bạn sẽ bị mọi người cười và cho là không bình thường. Nhưng giờ đây, việc làm ấy là cần thiết để tạo lại, thu về trong không gian vườn nhà mình màu sắc riêng của núi rừng xứ sở. Màu vàng tươi tắn và mộc mạc giản dị của dã quỳ làm góp thêm nét đẹp của cao nguyên với các loài hoa khác.


Những ngày cuối của tháng 11, có ai đó giục nhau đi chụp ảnh cùng dã quỳ kẻo rồi sẽ hết mùa. Chợt cũng thấy náo nức muốn hòa cùng vào nhóm bạn ấy, để được hớn hở cười vui giữa hai triền dã quỳ dù có thưa thớt song vẫn rực vàng những vầng mặt trời kiêu hãnh của xứ sở cao nguyên.


Bích Thiêm