11:11, 23/11/2018

Mẹ trong ký ức

Đang ngồi hóng mát ở thềm nhà, bỗng nhiên anh bảo: "Anh nhớ nhà quá. Anh muốn về quê". Vẫn biết điều đó luôn hiện diện trong tâm trí anh nhưng chưa bao giờ nghe anh nói ra. Em biết rằng, anh đang nhớ mẹ.

Đang ngồi hóng mát ở thềm nhà, bỗng nhiên anh bảo: “Anh nhớ nhà quá. Anh muốn về quê”. Vẫn biết điều đó luôn hiện diện trong tâm trí anh nhưng chưa bao giờ nghe anh nói ra. Em biết rằng, anh đang nhớ mẹ.


Em là con dâu của mẹ, nhưng chưa một ngày em làm dâu. Mẹ đã rời xa cõi đời khi em và anh còn chưa gặp nhau. Trong anh vẫn luôn khắc khoải một nỗi nhớ, một hình ảnh về mẹ. Mẹ, trong em là những ký ức đẹp anh kể. Em chắp vá tất cả chúng lại và mường tượng ra mẹ khi còn sống.


Anh kể, mẹ là người phụ nữ tảo tần, giỏi giang. Dáng vẻ bình thường nhưng mẹ làm gấp đôi, gấp ba người thường. Mẹ cấy lúa rất nhanh, tát nước rất giỏi. Từ việc đồng áng đến việc nhà mẹ chẳng nề hà chuyện gì. Em tự hỏi, không biết người phụ nữ nhỏ bé ấy lấy đâu ra sức mạnh phi thường như thế? “Đó là nhờ tình yêu mẹ dành cho các con của mình” - chẳng cần chờ em hỏi thành lời, anh đã cho em một câu trả lời đầy yêu thương.


Anh nhớ mẹ, nhớ cả những món ăn mẹ nấu. Khẩu vị, cách ăn uống của anh “giống hệt bà ngoại” như lời các chị nói. Anh thích ăn cá kho nhất, nhưng phải là cách kho của mẹ. Dù cô út có đôi lần chê “nồi cá mẹ kho, xắn quần lội còn ướt”, nhưng với anh vẫn không có gì ngon bằng cá mẹ kho. Món cá kho đã theo anh suốt những năm tháng học xa nhà. Cái vị mằn mặn ấy cứ quyện mãi nơi đầu lưỡi. Em ngược lại, chẳng thích cá kho. Thế mà, không hiểu từ lúc nào, em cũng dần thích món dân dã ấy.


Mỗi năm, đến ngày giỗ mẹ, anh vẫn luôn nhắc “em làm món gì cũng được nhưng nhớ phải có canh bí đỏ nha. Hồi còn sống mẹ thích món đó nhứt”. Món canh bí đỏ nấu cúng mẹ chỉ có bí đỏ và đậu phộng giã dập, nêm thêm ít cọng ngổ cho dậy mùi, nhưng không thể nào thiếu trên bàn thờ. Dù đó có phải là món mẹ thích nhất hay không thì em vẫn hiểu rằng món canh đó đã sống cùng anh trong những năm tuổi thơ có mẹ. Anh nói muốn về quê thăm chú Bảy, nhưng em biết thẳm sâu trong tâm hồn anh muốn về ngắm nhìn ngôi nhà có hình bóng của mẹ, dẫu rằng đã lâu rồi không có người ở. Anh muốn chạm tay vào những chiếc lá, thân cây nơi mảnh vườn ba đã vun trồng ngày còn sống. Và anh muốn được như một đứa trẻ, vùi đầu vào lòng mẹ khóc nức nở mỗi khi có chuyện không vui.


Anh bảo tháng 10 âm lịch ở quê anh là tháng các gia đình đi tảo mộ. Tháng 10 cũng là tháng mưa gió nhiều nhất trong năm ở quê hương thứ hai anh đang sống. Những trận lụt cứ dồn đến, mưa gió bủa vây nên mấy năm rồi anh chưa về quê lần nào để làm tròn nghĩa vụ của người con trai. Năm nào cũng thế, tới tháng 10 anh lại nhấp nha nhấp nhỏm, tính về rồi lại không về được. Nỗi buồn xa quê, nỗi nhớ mẹ cứ day dứt mãi trong anh. Anh kể ngày mưa mẹ thường đúc bánh xèo cho cả nhà ăn. Bánh xèo nhà quê chỉ đúc bằng mỡ heo, bột gạo, thêm vài cọng giá và lèo tèo vài ba con tôm đất, ấy vậy mà anh vẫn không thể nào quên hương vị của nó. Cho đến tận bây giờ anh vẫn luôn tìm kiếm vị giác ấy như muốn tìm lại cảm giác của ngày xưa bên mẹ.


“… Rủi mai này mẹ hiền có mất đi/Như đóa hoa không mặt trời/Như trẻ thơ không nụ cười/Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/Như bầu trời thiếu ánh sao đêm”… Lời bài hát “Bông hồng cài áo” vang lên từ phía xa xa như khắc thêm nỗi nhớ vào lòng anh.


HÒA TRANG