11:12, 11/12/2018

Buổi chiều có cơn gió to

Buổi chiều hôm ấy có một cơn gió to thổi vào thành phố. Cơn gió lay cả hàng cây cao trên đường, lá bay vòng vòng rụng xuống. Anh ngồi nép bên vỉa hè, ly cà phê để trên một chiếc ghế dựa nhỏ, bị cơn gió hất tung, ngã xuống. Anh chưa kịp uống hớp cà phê nào. Bà chủ quán vội pha cho anh ly khác: "Để tôi bù cho anh, chỉ là gió to thôi mà".

Buổi chiều hôm ấy có một cơn gió to thổi vào thành phố. Cơn gió lay cả hàng cây cao trên đường, lá bay vòng vòng rụng xuống. Anh ngồi nép bên vỉa hè, ly cà phê để trên một chiếc ghế dựa nhỏ, bị cơn gió hất tung, ngã xuống. Anh chưa kịp uống hớp cà phê nào. Bà chủ quán vội pha cho anh ly khác: “Để tôi bù cho anh, chỉ là gió to thôi mà”.


Anh ngồi đợi Tuấn, con trai anh. Nó dặn là một lát nữa sẽ tới, nhưng đi trong lòng thành phố đôi khi không tính được thời gian cho cuộc hẹn, vì chỉ một ngã tư bị tắc đường hay vì lý do nào đó, cuộc hẹn chắc chắn trở thành một cuộc đợi chờ.


Ly cà phê pha kiểu Sài Gòn hơi nhạt và ngọt, anh uống không quen, nhưng nhập gia thì phải tùy tục, được cái là dẫu ngồi nép mình bên góc phố, nhưng đôi mắt anh được no đủ với mọi sinh hoạt diễn ra trước mắt. Mọi người đi bộ hay đi xe đều rất vội vã, chẳng ai chú ý đến ai, họ cũng chẳng quan tâm đến anh. Cả chị bán cà phê cũng bận rộn pha cà phê cho người mới đến, rồi họ cứ tự tìm một chỗ nào đó thuận tiện mà ngồi.


- Ba. Sao ba không vào quán cà phê phía trước mà uống?


Tuấn xuất hiện, nó rê chiếc xe máy vào lề, rồi bảo: “Ba lên xe đi với con”. Đội chiếc mũ bảo hiểm nó đưa, anh leo lên. Nó rú ga điều khiển chiếc xe lao thật nhanh giữa dòng người xuôi ngược.


Anh hiếm khi vào Sài Gòn thăm con, phần lớn việc này đều do vợ anh, Loan đảm nhận. Thăm con, Loan mua những thứ linh tinh đem vào cho thằng Tuấn ăn, giống như ở Sài Gòn nó thiếu thốn lắm. Đến độ nó phải cằn nhằn: “Trong này thứ gì cũng có, mẹ đừng mang đồ ăn vào nữa”. Loan lúc đó mới mắng yêu con: “Tổ cha mày, mẹ sợ mày ăn đồ ăn lạ không quen mới hì hục nấu nướng”. Giờ thì khi ngồi sau lưng nó, anh biết rằng con anh đã lớn, thật sự lớn. Nó chở anh đi mà anh có cảm giác là nó che chở anh chứ không phải anh che chở nó. Cuộc sống là vậy, cha mẹ cứ tưởng con mình còn nhỏ, ai ngờ khi nó vào đời, học được nhiều điều, nó lớn khôn lúc nào không hay.


Tuấn dừng xe lại trước một nhà hàng:


- Con làm bếp trưởng ở nhà hàng này, ba vào xem thử tài nấu ăn của con nha ba.


Nhà hàng đẹp, cái tên “Thờn Bơn” nổi bật trong đêm. Anh thật ngạc nhiên, bởi anh chưa bao giờ nghĩ ra con trai anh lại có thể thay đổi đến thế, trong khi anh hình dung rằng nó chẳng thể làm nên trò trống gì ở mảnh đất mà mỗi mét vuông không biết bao con người này.


Anh có hai đứa con trai, thằng Hải là đứa lớn chọn học ngành xây dựng, đó là ngành anh ưng ý. Hải học giỏi, đẹp trai giống cha, lại ngoan ngoãn nghe lời. Gần như chẳng bao giờ nó làm anh phật ý điều gì, cho nên nó xin điều gì gần như anh đều gật đầu không từ chối. Giờ thì thằng Hải đang qua bên Đức học tiếp bằng thạc sĩ, anh cũng chẳng ngăn cản. Còn thằng Tuấn thì khác, gần như nó đối nghịch với cha mình khi mới lớn. Anh luôn la mắng thằng nhỏ bởi tính ngang bướng, thích cãi lại cha. Nó theo bạn bè đi nhuộm tóc vàng, lớp 12 đã lập ban nhạc, tự đi học đàn, thỉnh thoảng lại đi biểu diễn ở đám tiệc. Anh đã giận dữ đập vỡ cây đàn của nó, thế là nó bỏ nhà đi cả tháng, vợ anh phải đi tìm. Thì ra nó ở nhờ nhà một đứa bạn học, hàng ngày lại đi tập tành phụ bếp.


Có phải chính một tháng bỏ nhà đi, tập tành phụ bếp làm cho nó thay đổi chí hướng không, mà khi học hết năm đại học thứ nhất, nó dõng dạc tuyên bố trong bữa cơm: “Con không học được nữa, con muốn vào Sài Gòn học nghề”. Anh ngạc nhiên: “Mày học mấy cái chữ làm ông này ông nọ cho ba mẹ được nhờ. Ai biểu mày đi học nghề?”. Vợ anh bảo: “Anh có thấy nó giống anh tính cứng đầu không? Thích cái gì là làm cái đó cho bằng được. Tại tính nó giống anh quá nên cha con giống như mặt trời với mặt trăng”.


Anh bảo: “Có giống tính cha thì phải nghe lời cha. Đằng này…”. Chữ đằng này của anh giống như cơn gió lùa chông chênh qua mái ngói. Bởi thằng Tuấn quyết định vào Sài Gòn đi học nghề bếp. Anh đã rất giận khi con trai mình bỏ học. Nó khăn gói lên tàu vào Sài Gòn. Con đường của nó đi có tiếng gió, có mùi cỏ cháy của những cánh đồng vừa gặt xong đang đốt rạ, có cả những đám mây trắng trôi bềnh bồng. Nó vào Sài Gòn tự chọn cho mình con đường đi mà chẳng hỏi gia đình điều gì.


Cơn giận vơi, bởi dù sao nó cũng là con trai của anh, anh không thể bỏ rơi nó, anh nói vợ vào Sài Gòn thăm con. Anh dặn vợ nói với nó là nếu học không được nghề, về lại nhà, trở lại trường đại học. Loan vào Sài Gòn, livestream cho anh nhìn mặt con. Nó vẫy tay chào anh: “Ba ơi, con lấy được bằng đầu bếp rồi, con nấu nhiều món ăn lắm, vài bữa con đi thi đầu bếp giỏi nè”. Rồi nó đậu thật, nó đậu bởi niềm đam mê của nó là nhìn ngọn lửa trong bếp reo, bởi vì với nó nấu ăn là cả một sự đam mê. Anh nói với Tuấn: “Ừ, con giỏi lắm!”.


Rời khỏi quán ăn, thằng Tuấn vẫn chở anh trên chiếc xe máy: “Con thuê căn phòng này rộng lắm, nhìn xuống hàng hiên có cả một chợ hoa, ba à”. Căn phòng nằm trên tầng hai, ô cửa sổ nhìn xuống con phố xôn xao. Trên chiếc bàn nhỏ, anh thấy thằng Tuấn để tấm hình cả gia đình chụp chung, trên tường treo tấm bằng khen trong cuộc thi nấu bếp. Nó pha cho anh bình trà, rồi kéo ghế ra hàng hiên ngồi bên cạnh anh. Nó thầm thì: “Ba à, con dự định sẽ mở cho mình một nhà hàng”. Anh nhấp môi ly trà nóng con trai vừa rót ra. Lòng anh ấm theo ngụm trà vừa uống. Anh nói: “Ừ”. Anh nhớ đến cơn gió to buổi chiều khi anh ngồi đợi nó đến đón. Cơn gió to ấy đã trôi qua thành phố.


. Truyện ngắn của Phan Thị Tần