09:11, 02/11/2018

Người của ngày xưa

Mưa càng ngày càng nặng hạt. Từng cơn gió thốc mạnh, quất những giọt nước vào tấm phên ràn rạt. Nước mưa dâng lên, vào tận nền nhà. Đủ thứ rác rưởi trôi lềnh bềnh. Dưới mái tranh nặng oằn nước, tôi ôm gối ngồi thu lu.

Mưa càng ngày càng nặng hạt. Từng cơn gió thốc mạnh, quất những giọt nước vào tấm phên ràn rạt. Nước mưa dâng lên, vào tận nền nhà. Đủ thứ rác rưởi trôi lềnh bềnh. Dưới mái tranh nặng oằn nước, tôi ôm gối ngồi thu lu. Phía góc bên kia của cái chõng tre, Ba Hùng cũng đang nhìn mưa, lặng lẽ rít thuốc. Tôi nhìn bờ vai căng chật trong màu áo đen bạc phếch của anh, thở dài. Nghề đi biển của Ba Hùng thường xa nhà. Nhưng ngay cả khi ở nhà, anh và tôi cũng ít khi có chuyện gì nói với nhau. Sống với anh, tôi luôn có cảm giác tẻ nhạt và cô quạnh …


Vứt mẩu thuốc cháy dở xuống nước, Ba Hùng khoát tay: “Ở nhà đó! Tui đi đây!”. Anh đứng dậy, với tấm ni lông khoác vô người, lội ra cổng. Anh sẽ lại say sưa với bạn nhậu đến tận sáng mai mới về. Tôi hết nhìn cánh cửa xiêu vẹo, lại ngó lên cái lỗ trống trên đầu vì mái tranh bị tốc, thở dài.


- Hà đừng lo, tôi sẽ giúp Hà sửa sang nhà cửa.


Không quay lại, tôi cũng biết đó là Thanh. Anh sang hồi nào mà tôi không hay.


Nhà Thanh ở giữa xóm, chỗ xanh rờn những hàng tre già rậm rạp. “Đang mưa gió vầy, Thanh sang đây làm gì?” - Tôi hỏi. Anh ậm ừ: “Tui thấy Hùng vô xóm, Hà ở nhà một mình, lỡ có bề gì…”. Tiếng anh ngập ngừng, nghe tồi tội…


Nói chuyện với tôi, anh hay dùng cái giọng tồi tội như người phạm lỗi, trong khi tôi mới chính là người đã phụ anh.


Tôi và Thanh quen nhau từ nhỏ. To, cao, mạnh khỏe nên anh trở thành vệ sĩ của tôi, bênh chằm chặp những khi tôi bị bọn con trai bắt nạt. Thậm chí, những khi tôi có lỗi, bị ba má rầy, anh cũng chịu đòn thay: “Hai bác cứ đánh con nè! Út Hà ốm nhom vậy, chịu đòn sao thấu”. Vậy là tôi thoát. Khi nghe tôi cám ơn, anh nói: “Khỏi đi, miễn sao lớn lên, Hà chịu về với tui là được”. Tôi gật đầu liền. Anh khỏe mạnh, giỏi giang vậy, bao nhiêu cô gái trong làng mê chứ riêng gì tôi.


Tốt nghiệp phổ thông, do hoàn cảnh gia đình nên tôi và Thanh đều không thi đại học. Tôi ở nhà với má vá lưới, ra chợ bán cá… Còn Thanh, sau 2 năm làm việc trên tàu cá, anh đi nghĩa vụ quân sự. Anh và tôi hẹn nhau khi anh trở về, chúng tôi sẽ làm đám cưới.


Song, không ngờ mọi chuyện lại đột ngột thay đổi. Ba mất sớm nên một mình má tôi gánh vác gia đình. Bất ngờ, bà trở bệnh, cần một số tiền lớn để mổ gấp. Không biết làm sao xoay xở, tôi đành sang nhà bà Sen đầu xóm vay lãi cao. Khi đưa má về nhà, số tiền nợ đã thành hàng chục triệu.


Đã đến hẹn trả tiền nhưng tôi chưa biết kiếm đâu. Tôi đành nói với bà Sen: “Dì cho cháu nợ vài bữa, khi má đỡ, cháu sẽ lên tỉnh kiếm việc làm”. Bà Sen gật gật đầu: “Cháu khỏi lo việc ấy, cứ từ từ cũng được”. Rồi bà ghé sát tai tôi, thì thào: “Có mối này được lắm, là Hùng đó. Anh ta nhờ dì nói giúp, nếu cháu đồng ý, món nợ ấy… coi như xong”.


Tôi có biết Hùng. Anh ta hơn tôi gần 2 con giáp. Do mải kiếm tiền nên đến giờ vẫn chưa có vợ. Bù lại, gia cảnh anh ta vào loại nhất nhì trong những xóm chài quanh đây.


Tôi đứng bật dậy, ngực tức nghẹn. Nhưng chợt nhớ món nợ, tôi dịu giọng: “Dì đừng nhắc lại chuyện này nữa. Món tiền của dì, cháu sẽ tìm cách trả”.


Bà Sen còn sang nhà tôi mấy bận. Hết thẽ thọt lại dỗ dành, nào là Hùng giàu lắm, là chủ một tàu đánh cá lớn. Mỗi chuyến ra khơi phải được vài trăm triệu đồng. Lấy Hùng, tôi một bước lên tiên… Thấy tôi vẫn cương quyết, bà Sen trở mặt, bảo nếu tôi không trả hết nợ trong 3 ngày, bà ta sẽ lấy nhà, xiết đồ…


Chưa hết, tối đó, hai đứa em xin tiền đóng học phí. Rồi má đau trở lại, lăn lộn. Vết mổ bị nhiễm trùng, phải đưa đi cấp cứu… Họa vô đơn chí. Tôi đành sang nhà bà Sen…


Hùng cùng tôi vào bệnh viện, thanh toán mọi khoản phí và đưa tôi một số tiền để lo cho gia đình. Một tháng sau, khi má ra viện, Hùng xin tổ chức đám cưới. Má gật đầu mà nước mắt rưng rưng.


Song, chỉ sau đó vài tháng, Hùng trở nên trắng tay. Nguyên do là anh vay ngân hàng một số tiền lớn tu bổ tàu thuyền, nhằm ra khơi xa. Ai ngờ gặp bão, tàu chìm. Hùng may mắn trở về nhưng tất cả tài sản tích cóp được đều đội nón ra đi để trả nợ và đền bù cho những người làm công bị nạn. Từ chủ tàu, Hùng trở thành người làm thuê. Đi biển thì thôi, ở nhà là Hùng lại chìm vào rượu.


 Khi hết hạn nghĩa vụ quân sự trở về, biết chuyện, Thanh không trách tôi nhưng buồn lắm.

***


Giữ lời hứa, hôm sau Thanh sang lợp lại mái nhà, gia cố cánh cửa bị lung lay, dựng lại hàng rào bị sập, còn đóng cho tôi một cái chuồng gà mới chắc chắn.…


Đưa Thanh ly nước chanh mới pha, tôi cười cười: “Hôm qua em gặp con Lộng xóm dưới. Con bé đó đẹp người mà cũng giỏi giang lắm. Nghe nói được làm mai cho anh, nó mừng húm”. Thanh không nhìn tôi, chỉ lắc đầu: “Cảm ơn Hà nhưng không được đâu, tuần sau tui đi rồi”. Tôi ngơ ngác: “Anh đi đâu? Sao gấp vậy?”. Thanh đáp: “Tui trở lại quân đội, nhưng lần này ra đảo Trường Sa”.


Tim tôi lại đau nhói, không biết lần thứ bao nhiêu?


. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy